Bình minh vẫn còn chưa ló dạng mà họ đã đứng đón những cơn gió lạnh trên chiếc sân nhà tù mọc đầy cỏ dại. Họ gồm 11 người lính Pháp thuộc trung đội quản giáo. Họ không biết sẽ xử bắn ai và bất giác căng thẳng khi nhìn thấy một người phụ nữ cao mặc chiếc áo dài, đội mũ rộng vành choằng khăn voan bước ra. Lúc này mỗi người trong số 11 binh sĩ đều thầm hy vọng trong nòng súng của họ là viên đạn không đầu (để lương tâm người lính khỏi bị bứt rứt, người ta giao cho họ những khẩu súng đã nạp đạn sẵn và nói trong buồng đạn của một trong những khẩu súng đó có một viên đạn giả).
Mata Hari, khoảng năm 1907
Chạy lon ton cạnh người phụ nữ đó là vị cha cố của nhà tù - cha Arbo. Ông đang lầm rầm cầu nguyện cứu rỗi. Không ai nói gì với nữ tử tội là phải đứng ở đâu, cô ta tự chọn lấy chỗ đứng trước hàng lính - không xa quá, không gần quá so với quy định. Một trong các sĩ quan lại gần và đưa cho cô ta chiếc băng đen bịt mắt. “Cái này cần đến thế sao?” - người phụ nữ ngạc nhiên nhướng mày hỏi. Viên sĩ quan lúng túng vì không biết trả lời thế nào nên đành liếc mắt dò hỏi vị luật sư bào chữa của phạm nhân, tiến sĩ Kliune, người đang đứng bên trái cô ta, giữa một nhóm người nhỏ đến chứng kiến cuộc hành quyết. “Đây là điều thực sự cần thiết ư, thưa ngài? - vị luật sư bào chữa đến gần và hỏi lại. “Đối với chúng tôi thì chả quan trọng gì...”. Một sĩ quan nữa đến gần mang theo sợi dây. Vị luật sư nhăn mặt: “Tôi không nghĩ rằng, thân chủ của tôi muốn bị trói tay đâu...”. Cả hai người sĩ quan, còn đứng sau họ là vị luật sư bào chữa và vị cha cố đều đứng tránh ra khỏi người phụ nữ. Cô đứng thẳng, mắt nhìn vào những người lính trước mặt. Vang lên các khẩu lệnh. Loạt bắn không được đồng loạt. Các viên đạn nổ lẹt đẹt rời rạc. Người phụ nữ từ từ khuỵu gối, sau đó ngã sấp mặt về phía trước xuống đất. Viên bác sĩ của nhà tù khám xét tử thi và khẽ thì thào với viên trung uý đứng bên: “Lính của ông bắn kém lắm. Chỉ có ba viên đạn bắn trúng người. May mà có một viên bắn đúng tim...”.
Binh lính được dẫn ra khỏi sân nhà tù. “Có ai muốn nhận tử thi của người bị hành quyết không?” Viên trung uý nhắc lại câu hỏi ba lần. Im lặng. Viên sĩ quan liếc nhìn ông luật sư. Ông này nhún vai vung tay. Vào sáng sớm ngày 15 tháng 10 năm 1917, cuộc đời của cô gái Hà Lan Margarete Zelle, người đã đi vào lịch sử dưới cái tên Mata Hari (Mata Hari, tên thật là Margarete Gertrud Zelle (1876-1917), gái điếm hạng sang bị kết tội gián điệp trong Thế chiến I (1914-1918). Năm 1907, cô ta trở thành gián điệp của Đức, đã học trường gián điệp ở Lorrach. Bị Pháp kết tội gián điệp và hành quyết tháng 10 năm 1917 - ND), đã chấm dứt như thế đấy...
Theo cái huyền thoại ly kỳ trộn lẫn những điều bịa đặt, tưởng tượng và một ít sự thật thì Mata Hari là ngôi sao gián điệp của mọi thời đại và mọi dân tộc. Nhưng có phải cô ta có thực là tình báo viên vĩ đại không? Đó là điều còn tranh cãi cho tới tận bây giờ, ba phần tư thế kỷ sau khi cô ta bị hành quyết. Nhưng việc Mata Hari là một con điếm hạng sang vĩ đại làm gián điệp ở cấp cao thì lại là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng còn gì nữa? Không thể xác định được sự thật chân chính về người đàn bà huyền thoại này là vì những nguyên do sau:
- thứ nhất, bản thân Mata Hari là một kẻ lừa dối vô song;
- thứ hai, những câu chuyện về những hành động của ít nhất ba nữ gián điệp nữa thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã được thêu dệt để pha trộn một cách vô vọng vào truyền thuyết về Mata Hari;
- và thứ ba, hiện nay không thể tách phần sự thật ra khỏi những điều tưởng tượng còn bởi vì tham gia vào việc tạo ra truyền thuyết về Mata Hari còn có những yếu tố cực kỳ nặng ký như tài lừa dối của bản thân cô ta, phản ứng tự vệ của giới thượng lưu lo sợ những phát giác tai tiếng, trí tưởng tượng phong phú của các nhà báo và ngành nghề thu nhập cao của các nhà viết kịch bản ở Hollywood.
Người ta biết rõ về tuổi trẻ của Mata Hari nhiều hơn so với những giai đoạn khác của cuộc đời cô ta. Nhưng thậm chí cả ở đây, nữ nhân vật của chúng ta cũng không chỉ một lần tìm cách bóp méo sự thật.
Margarete Gertrud Zelle, nổi tiếng dưới cái tên Mata Hari, sinh ngày 7 tháng 8 năm 1876 tại thị trấn Leeuvarden của Hà Lan. Cha mẹ cô là những người nông dân khả kính và khá giả.
Người mẹ thậm chí là người xuất thân từ một dòng họ danh giá. Người cha có vẻ ngoài bảnh trai, tính cách thô lỗ và có lẽ trong huyết quản của ông ta chảy khá nhiều máu Do Thái. Nhưng trên hết, trong các tổ tiên của nữ gián điệp tương lai có một người Indonesia nào đó, điều thường thấy ở nước Hà Lan đương đại sau hàng thế kỷ nô dịch thuộc địa này.
Cha của cô gái đã vứt bỏ truyền thống gia đình, lao vào kinh doanh. Nhưng việc buôn bán chẳng đem lại cho ông cả những núi tiền, lẫn vinh quang. Sau khi vợ chết, ông chuyển tới Amsterdam. Cho đến lúc đó, cô bé Gerda 14 tuổi đã trông như một thiếu nữ xinh đẹp 17 tuổi. Đàn ông cứ như nam châm bám vào cô gái cao ráo, tóc đen lớn trước tuổi với khí chất hơi phương Đông còn ngủ yên này.
Cô tá không muốn mong mỏi cái gì quá danh phận một cô giáo. Nhưng vị hiệu trưởng trường đại học sư phạm đã chết mê chết mệt cô gái. Gerda chạy đến chỗ nguời dì mình ở Lahay và ở đó, ở lứa tuổi 18, cô đã làm quen với người chồng tương lai của mình.
Viên đại uý 39 tuổi Rudolf Makleod từ thuộc địa mà anh ta đóng quân về nước nghỉ phép. Anh ta là người có học, dũng cảm và độc thân. Về cuộc hôn nhân của anh ta hiện có một truyền thuyết nhỏ như một mắt xích của một huyền thoại lón về Mata Hari. Hình như bạn bè đã quở trách anh ta về tính ích kỷ thâm căn cố đế và một trong số họ đã tuyên bố với tờ báo tìm bạn đời. Có 15 người hồi đáp, người cuối cùng là Gerda Zelle. Tuy nhiên, sự hấp dẫn nữ tính của cô đã hiển hiện ngay trên giấy; viên đại uý để ý đến chính cô. Họ đã gặp nhau tại Viện Bảo tàng Quốc gia Lahay. Người mà anh ta chờ đợi được gặp là một cô thôn nữ bé nhỏ, nhưng xuất hiện trước mắt anh ta lại là một phụ nữ trẻ cao với đội môi gợi cảm và đôi mắt đen sắc lẻm. Chiếc áo dài mỏng dính dường như là giành cho những người không có đầu óc tưởng tượng.
Vài lá thư của Gerda cho Makleod đã được giữ lại. Những lá thư ấy thật cháy bỏng và cuồng nhiệt. Sáu tuần lễ sau lần gặp gỡ đầu tiên, họ đã đính hôn, nhưng trước đó cô đã là tình nhân của anh ta.
Gia đình Makleod phản đối sự lựa chon của anh ta và không phải là không có lý do. Nhưng cả viên đại uý và cả cô gái đều đã mê mẩn tâm thần. Khi họ cưới thì cô Mata Hari tương lai đã có thai.
***
Viên sĩ quan 40 tuổi và một cô gái trẻ hơn anh ta hai lần hoàn toàn không hợp nhau. Anh ta là người tràm tĩnh đúng mực và có học; một quý ông đàng hoàng. Còn Gerda thì lại có tính cách của người cha, tức là xấu xa, vị kỷ, keo kiệt và bủn xỉn. Không lâu sau, cô ta đã phát hiện được chồng mình có được một tài sản như thế nào và điều đó không làm cho vui sướng.
Tuy vậy, họ vẫn là một đôi vợ chồng hấp dẫn. Dù họ xuất hiện ở đâu thì vẻ bề ngoài của họ đều thu hút chú ý, kể cả ở triều đình khi cặp vợ chồng mới cưới được giới thiệu với Nữ hoàng trẻ Wilhemina (Helena Pauline Maria Wilhelmina (1880-1962), Nữ hoàng Hà Lan (1890-1948) - ND).
Đứa con trai đầu của họ được đặt tên là Norman. Hình như bổn phận làm mẹ đã xoa dịu người đàn bà cuồng nhiệt này. Nhưng cô ta lơ là đối với đứa bé và biến mất trong một thời gian dài. Chỉ sau một năm cuộc hôn nhân của họ đã đổ vỡ. Makleod được thăng quân hàm thiếu tá và được giao chỉ huy một tiểu đoàn dự bị ở đảo Java. Vợ và đứa con nhỏ đi cùng ông ta.
Gerda chẳng thèm quan tâm tới thiên nhiên hoang sơ, lẫn nền văn hoá cổ kính của Java. Điều duy nhất làm cô ta tạm yên lòng với cuộc sống là cô ta đã trở thành đệ nhất phu nhân tại thị trấn đồn trú và vị thế ấy đã được cô ta khai thác một cách tàn nhẫn. Không lâu trước cuối thế kỷ, trong gia đình viên sĩ quan đồn trú, cô con gái Joanna-Louisa được sinh ra. Đến lúc đó, Rudolf và vợ anh ta đã ở đỉnh điểm bất hạnh. Viên thiếu tá ghen với tất cả các sĩ quan trẻ, mà nói chung là với tất cả đàn ông mà vợ mình công khai ve vãn. Cô ta ngày một trở nên cuồng dâm. Sau này, cô ta than phiền rằng chồng cô ta đã cư xử vũ phu với mình - dùng roi quất và dùng súng đe doạ; đáng tiếc là Rudolf lại có thừa lý do để làm thế.
Nhiều năm nữa sẽ trôi qua, và trong những năm Thế chiến II, tại đảo Java sẽ có một người phụ nữ-điệp viên hai mang làm sửng sốt những tay trong nghề. Nhiều người coi cô ta là con gái của Mata Hari, nhưng đó khó có thể là Joanna-Louisa, người đã sống phần lớn cuộc đời ở Hà Lan. Nhưng Banda, nữ gián điệp nổi danh, với thân hình thanh tao của một cô gái Indonesia và gương mặt phảng phất đôi nét của người Mông Cổ, hoàn toàn có thể là con gái của Gerda với một người Indonesia nào đó.
Thiếu tá Makleod được điều sang đảo Sumatra. Gia đình anh ta chuyển sang theo sau vài tuần và Makleod đã bàng hoàng trước vẻ tiều tuỵ của các con. Mấy tháng sau, Norman qua đời vì bị đầu độc bởi một con sen người java vì chồng cô ta đã từng bị đại uý trừng phạt về một lỗi gì đó.
Người cha hoàn toàn suy sụp trước cái chết của người con trai và sự không chung thuỷ vô độ của người vợ. Ông đã bắt quả tang cô tá với một sĩ quan trẻ trong cảnh trai trên gái dưới và lập tức đòi ly dị. Với tư cách một sĩ quan, một người đàn ông quân tử, ông đề nghị cô ta đưa ra những chứng cứ bác bỏ điều mà ông đã trông thấy. Mấy tháng sau, Rudolf về hưu và xây một biệt thự ở miền Trung Java. Vợ ông ta, Gerda lúc đó tạm thời vẫn còn là cô ta, rất căm ghét địa điểm này vì ở đây không có đàn ông. Ngôi sao gián điệp tương lai đã viết một lá thư về Hà Lan khiếu nại về sự vũ phu, tàn nhẫn của ông chồng và sự nát rượu của ông này. Cha cô lập tức kiện ra toà. Nhưng vụ án đã mau chóng bị đình chỉ khi mà các quan chức Hà Lan đã đến tận nơi thẩm tra tìm hiểu sự thật.
***
Vào đầu năm 1902, gia đình Makleod trở về Hà Lan. Đến lúc đó, Rudolf đã trên bờ bực khánh kiệt. Ông công khai từ chối trả những khoản nợ của vợ và đến cuối năm, gia đình ông tan vỡ. Makleod đưa cho vợ một khoản tiền nhỏ, nhưng đòi được quyền bảo hộ con gái vì ông cho rằng Mata Hari tương lai không phải là người có đủ tư cách để dạy dỗ đứa trẻ.
Một khoản trợ cấp ít ỏi là đủ cho người phụ nữ an phận thủ thường, nhưng hiển nhiên là không đủ đối với Gerda với sở thích ngông cuồng bắt đầu làm cho những người xung quanh kinh ngạc. Cô ta quyết định chinh phục sân khấu nhà hát, nhưng phát hiện ra rằng cô ta chẳng hề có kiến thức lẫn tài năng. Nhưng dù sao thì ở lứa tuổi 27, cô ta vẫn chuẩn bị giành lấy Paris.
Đúng như mong đợi, cô ta đã trở thành người mẫu. Ban đầu, cô ta từ chối làm mẫu khoả thân, nhưng điều đó kéo dài không lâu. “Vụ làm ăn” tượng trưng đầu tiên trên sân khấu mới là khi cô ta khoả thân làm mẫu trên tờ áp phích nhà hát đóng vai Messalina, vợ của Hoàng đế La mã Claudius, người đã quyến rũ những chàng trai trẻ trong đội thị vệ của Hoàng đế và giết hại họ bằng thuốc độc khi họ đã trở nên không cần thiết và nguy hiểm.
Nhưng với tư cách là một người mẫu, Gerda không giành được thành công lớn. Cô ta vẫn “chưa tìm thấy bản thân mình”. Trong một những báo cáo của cảnh sát, người ta khẳng định rằng cô ta đã ra đứng đường. Nhưng dù đó là sự thật hay là truyền thuyết thì một cô gái Paris đứng đường vì thương xót cô bạn Hà Lan kém may mắn đã dẫn cô ta đến một nhà thổ hạng sang. Chính ở đó, Gerda đã học được thứ nghệ thuật mà sau này đã giúp cô ta trở thành một trong những con điếm hạng sang lẫy lừng nhất thế giới.
Cuộc hành hương đi tìm gương mặt bản ngã vẫn tiếp tục. Cô ta tham gia vào các tiết mục ca kịch hạng năm và lại một lần nữa thất bại. Trong tuyệt vọng, cô ta viết thư cho một người họ hàng của chồng là một viên tướng. Ông này đã đồng ý giúp đỡ cô ta nên cô đã trở về Hà Lan. Nhưng lập tức đã xảy ra một vụ bê bối với Ruldolf, ông chồng cũ đã kể gì đó về Gerda cho viên tướng và cô ta một lần nữa lại ra đứng đường ở Paris.
***
Khi còn ở Java, Gerda đã say mê những điệu nhảy của các mỹ nữ bản địa. Sự sôi nổi và dục vọng được tiềm ẩn trong những cử động đầy gợi cảm. Vậy là bây giờ, trong chuỗi thất bại tiếp theo, cô ta bắt đầu giấu mọi người nhớ lại những bước nhảy đặc biệt sôi động, phấn khích, những cái uốn mình cực kỳ gợi dục của thân hình, nghĩ ra và hoàn thiện phong cách nhảy riêng cho những điệu nhảy tôn giáo đầy khiêu dâm đó. Gerda cho rằng, những chiếc áo dài thời đó là thừa và với kinh nghiệm của một người mẫu, cô tá quyết định nhảy thoát y.
Để thu hút nhiều sự chú ý tới bản thân, cô ta lấy tên mới là Lady Grash Makleod. Được ông bầu của mình hướng dẫn, cô ta đã rảo khắp các dạ tiệc để nhảy thoát y trên bàn ăn. Cô ta chưa bao giờ là một nghệ sĩ vĩ đại hoặc dù chỉ là một nghệ sĩ có tư cách; những buổi biểu diễn của cô tá đại loại như loại thoát y vũ của Salomé (Salome, một nhân vật trong Kinh Tân Ước, sống vào thế kỷ I SCN và là con gái của Herodias và Herod. Điệu nhảu của Salome tại tiệc sinh nhật bố dượng cô, vua xứ Judea là Herod Antipas quyến rũ đến nỗi Herod Antipas sẵn sàng chia nửa sơn hà cho cô - ND). Nhưng vấn đề không phải là ở trong điệu nhảy.
Cô ta là người quá đỗi đa dâm. Nhục cảm toát ra từ cô ta như những làn sóng radar và khán giả đàn ông không thể rời mắt khỏi cô ta. Tuy không phải là một nghệ sĩ, nhưng cô ta đã có thể làm cái mà những môn đồ của nghệ thuật phương Đông đã làm là truyền đạt thứ tình cảm rạo rực sinh ra trong điệu nhảy giả phương Đông của cô ta.
Tại một trong những buổi dạ hội như vậy, một nhân vật nổi tiếng trong giới kịch nghệ Paris đã nom thấy cô; có thể cô ta đã là nhân tình của ông ấy. Dù sao thì ông ấy đã cho cô ta một lời khuyên nghề nghiệp và giới thiệu cô ta với những người có khả năng giúp đỡ cô. Vụ giật gân mới bất thần đã làm bàng hoàng và chinh phục cái thế giới ban đêm trơ trẽn, buồn tẻ của Paris. Lady Grash Makleod biến mất. Mata Hari ra đời.
***
Bảo tàng Guime đã từ lâu nổi tiếng bởi tình yêu của mình với phương Đông và nghệ thuật của nó. Một lần, vào buổi chiều đầu tháng 3 năm 1905, một nhóm nhà đỡ đầu nghệ thuật có lựa chọn được hứa giành cho một cái gì đó mới và chấn động. Họ được mời tới buổi biểu diễn nhảy của một ngôi chùa phương Đông. Nhà bác học rậm râu giải thích biểu tượng tôn giáo của cái sẽ nhìn thấy. Trong lúc đó thì một mùi hương Đông phương rạo rực lạ thường đang lan toả khắp phòng. Một thứ âm nhạc huyền bí như chui từ ống sáo của thầy phù thuỷ dạy rắn kèm với chiếc màn từ từ kéo lên và một tượng Phật lớn bọc kín đầy những khe hở. Những kẽ hỡ cứ như làn sóng đu đưa giống như là dưới nó đang có vô số những con rắn đang bò trườn. Còn đây là cái mà anh nhà báo kinh ngạc đã trông thấy khi hồi tưởng lại ngày đó sau nhiều năm sau:
“... một người phụ nữ quấn đầy các thứ vải làm bằng vàng bạc óng ánh. Mềm mại và vô cùng yểu điệu, cô ta bắt đầu nhảy. Những quần áo che thân của cô ta lần lượt rớt xuống cho đến khi người vũ nữ chỉ còn những sợi xích, vòng chuỗi óng ánh làm bằng đá lấp lánh...”.
Đó, như lời giải thích vẫn của nhà chuyên gia rậm râu đó, là truyền thuyết về ngọc trai đen. Câu chuyện nói về một chàng trai đánh cá theo yêu cầu của một công chúa xinh đẹp và dâm dục đã lặn xuống đáy biển nơi anh ta đã chết vì những vết thương do con quái vật canh giữ ngọc trai đen gây ra. Công chúa còn mải say mê ngọc trai mà chàng trai đã cố lấy lên được từ đáy biển mà chẳng hề đau khổ về cái chết của tình lang hôm qua.
Đàn bà khoả thân không phải điều gì mới mẻ đối với Paris. Nhưng điều nhìn thấy vào buổi chiều đó là cái gì đó khác hẳn, là cái gì đó nằm giữa ranh giới tội lỗi và nghệ thuật. Công chúng say mê. Vinh quang của Mata Hari đã bừng sáng chỉ trong một đêm. Gerda đã tìm được mình.
Đó là câu chuyện mà cô ta kể về mình cho những khán giả xúc động và mê muội. Dường như cô ta sinh ra ở Nam ấn Độ, “trên bờ Malabar”, trong giáo phái Bà la môn mà cha cô là một tu sĩ, còn người mẹ trẻ 14 tuổi của cô là vũ nữ trong đền. Bà ta đã chết ngay trong đêm sinh ra cô. Đứa trẻ được các thày tu Bà la môn nuôi nấng dạy dỗ; chính họ đã đặt tên Mata Hari - Con mắt Buổi sáng cho cô gái.
Mata Hari đã nhiều năm học loại hình nghệ thuật mà mẹ cô đã nắm vững đến mức hoàn hảo - thứ nghệ thuật của vũ điệu tôn giáo-khiêu dâm đó. Khi 13 tuổi, sắp trở thành đàn bà, cô ta đã hiến thân cho những bí mật của đức tin và tình yêu trong đêm lập xuân: ngay trên bàn thờ bằng đá granit của ngôi đền vĩ đại Kanda-Swana cô đã lần đầu tiên nhảy hoàn toàn trần truồng.
Một lần một sĩ quan Anh đã trông thấy cô. Anh ta bị chinh phục bởi vẻ đẹp thân thể và nét u buồn ẩn ước trong đôi mắt cô. Phẫn nộ về việc người vũ nữ trẻ sẽ thuộc về những kẻ đệ tử dâm đãng trong ngôi đền, anh ta đã bắt cóc cô gái và cưới cô làm vợ. Cảm cái ơn ấy, cô đã sinh cho anh một đứa con trai. Nhưng đứa con đã bị người hầu đầu độc và cô ta, một người mẹ mất trí đã dùng đôi tay mình bóp cổ chết hắn. Nhưng vận rủi vẫn đeo đẳng cô: chồng cô qua đời vì xúc động mạnh. Cô không thể trở lại bàn thờ của đền mà phải lên đường sang Âu châu để công khai cho tất cả thưởng lãm cái bí mật diệu kỳ nghệ thuật khiêu dâm phương Đông huyền bí.
Đó thật là một câu chuyện mê ly khiến các độc giả nhớ đến những truyền ngắn ghê sợ từ các tạp chí giành cho những cô gái trẻ.
Những người gọi là “các chuyên gia về phương Đông” trong đêm đó ở bảo tàng Guime rất lâu sau này vì một lý do kỳ quặc nào đó đều đã bị mù và câm. Họ không biết sự khác biệt giữa ấn Độ và Đông ấn. Thậm chí, họ cũng chả cố đối chiếu nơi sinh của nữ nghệ sĩ - bên bờ Malabar, với cái tên đặc sệt Malaysia hay Indonesia của cô ta. Và bất cứ chuyene gia nào về lịch sử tôn giáo cũng sẽ bật cười mà nói với các môn đồ trung thành rằng ngôi đền vĩ đại Kanda-Swana không phải nằm ở ấn Độ, cũng chẳng phải ở Java mà ở Ceylon (tên hiện nay là Sri Lanka).
Rất nhiều trong mớ giả dối và nửa thật nửa giả này được Gerda lấy từ kinh nghiệm của bản thân: chẳng hạn, viên sĩ quan Hà Lan gốc Scotland (chồng của Gerda) đã biến thành chàng sĩ quan đẹp trai người Anh, vân vân. Nhưng tất cả điều đó không quan trọng. Có ai thèm nghe chuyên gia kia nói đâu. Cô ta mới là điều mới mẻ. Cô ta thật ngon mắt. Và cô ta đã trở thành một hiện tượng giật gân. Tính khiêu dâm rõ rệt trong những buổi biểu diễn của cô ta đã dẫn công chúng Paris tới sự thác loạn tình dục. Mata Hari được tạo ra bởi Gerda và cả bởi Paris về đêm nữa.
Một người cùng thời đã hồi tưởng lại những buổi biểu diễn đầu tiên của cô ta:
“Trong cô ta có điều gì đó siêu nhiên. Mata Hari khơi dậy sự thèm muốn trong anh. Cô ta buộc anh phải tin là anh đã thoả mãn sự khao khát, thèm muốn ấy với cô ta”.
Một người khác, một nhà quan sát có nghệ thuật tính hơn và tế nhị hơn thì nhận xét:
“Những bước nhảy mê hồn đầy cuốn hút và nhục cảm điên cuồng đã thực sự gây ấn tượng. Từ đôi mắt to, đen, hơi nhắm lại khi cảm xúc dâng trào của cô ta toát ra một ánh sáng siêu nhiên. Đôi chân thon mảnh trang trí bằng những vòng xuyến rung rinh tưởng chừng như những bắp thịt sẽ xé rách làn da. Những người được chứng kiến màn diễn này tưởng như cứ như họ đang chứng kiến một sự lột xác từ người đàn bà thành một con rắn và ngược lại”.
Với những người khác, cô ta tạo được ít ấn tượng hơn nhiều. Một đồng nghiệp, một nhà văn Pháp nổi tiếng, đã viết:
“Chả phải cô ta nhảy theo đúng nghĩa của từ này. Nhưng cô ta biết cách cởi quần áo và điều khiển cái tấm thân dài uyển chuyển và kiêu hãnh của mình. Nó làm cả Paris bất động”.
Mata Hari không thoát y hoàn toàn. Vú cô ta luôn được che bằng vỏ ốc biển hoặc cái gì đó tương tự. Cô ta đã lưu ý đến một nhận xét của một hoạ sĩ nói vú cô ta không được mẩy cho lắm. Theo cô ta thì cô phải bịt ngực là vì ngực co có vết sẹo sau một lần bị ông chồng vũ phu tàn nhẫn dùng dao găm đâm.
Những người quan sát khách quan thừa nhận cô ta thậm chí chả lấy làm xinh đẹp lắm cho cam. Viên sĩ quan, người mà sau này đã tham gia vào vụ hành quyết cô ta, đã nói:
“Người ta quá đề cao người đàn bà này. Cô ta có sức mê hoặc, đúng và điều đó rất quan trọng. Nhưng vẻ đẹp ư? Vì lợi ích của lịch sử - không và không!”
Ấy vậy nhưng không phải tất cả đều đồng tình với ý kiến của viên sĩ quan này. Cô ta còn có những phẩm chất, ưu điểm khác nữa cơ mà. Vinh quang của cô càng lớn thì số nhân tình của cô ta càng nhiều. Đó là các vị quân chủ châu Âu làm những chuyến đi ngắn tới Paris; đó là những thành viên nội các Pháp; và đó là các tướng lĩnh đến từ nhiều nước.
Cô ta được nhận vào đoàn balê Monte Carlo. Nhưng sau hợp đồng đã bị huỷ bỏ.
Cô ta nhảy ở Viên và các thủ đô châu Âu khác. Xuất nhiện những người bắt chước cô ta. Nhưng cho đến năm 1907 thì Paris đã bắt đầu chán ngán Mata Hari.
***
Sự tươi tắn mới mẻ biến mất, tuổi thanh xuân tươi trẻ đã ở lại phía sau. Cô ta cố tìm những hợp đồng ở London. Rất nhanh người Anh hiểu cô ta thực tế là ai - một vũ nữ thoát y ở đáy xã hội thượng lưu Paris. Cô ta nhảy ở Foly-Berger nơi hiển nhiên là thuộc đẳng cấp đích thực của cô ta. Nhưng nếu như London ngoảnh mặt với cô thì Berlin lại chào đón cô hồ hởi hơn.
Thủ đô nước Đức luôn nổi tiếng là ưa thích thứ khiêu dâm thô bỉ, đã tiếp đón cô ầm ĩ hơn cả Paris. Và cũng giống như ở Paris, cô đã ngủ với những quan chức cao cấp nhất nước Đức; theo lời đồn đại thì trong số những nhân tình của cô ta có cả Hoàng đế Đức.
Mata Hari, Paris, 1910
Nhưng từ đó trở đi, ta đã hoàn toàn không thể phân biệt được truyền thuyết với sự thực nữa. Sự thực ngày càng mờ nhạt còn chuyện hoang đường thì giành chiến thắng. Hiển nhiên, Mata Hari đã trở thành gián điệp của Đức. Nhưng khi nào? Và tại sao? Tại phiên toà ở Paris 10 năm sau, cô ta phủ nhận mình là điệp viên Đức có bí số H21. Các chuyên gia cho rằng, bí số đó có nghĩa là cô ta được tuyển mộ sau năm 1914, mà cũng có thể nó chỉ là sự tưởng tượng không hơn không kém của cô ta mà thôi.
Tại sao cô ta trở thành gián điệp? Thói hiếu danh của cô ta hiển nhiên đã bị tổn thương khi sự nghiệp của cô ta bắt đầu buổi xế tà ở Paris. Nhưng cũng có thể cô ta chỉ no xôi chán chè với những chuyến phiêu lưu trước đây và bắt đầu đi tìm những cuộc phiêu lưu mới, nguy hiểm hơn. Nước Pháp khi đó đang là đối tượng chủ yếu của hoạt động gián điệp. Tình báo Đức không thể không hiểu là một người đàn bà ngủ với khắp giới thượng lưu Âu châu hiển nhiên sẽ có một tiềm năng gián điệp vô cùng lớn.
***
Trong khi đó, lại rất khó - nếu không nói là hoàn toàn không thể - xác định những tình tiết liên quan đến hoạt động của cô ta cho tình báo Đức. Theo một số giả thiết, Mata Hari là ngôi sao của Toà nhà Xanh nổi tiếng mà Wilhelm Stiber thành lập nên. Theo những lời đồn khác thì cô ta đã nhận tước vị bá tước von Linden, sống tại một biệt thự sang trọng nơi bà ta hú hý với những nhân vật có tước vị danh vọng và các nhà ngoại giao để moi những bí mật của họ trong những câu chuyện trên giường.
Bà ta đã là nhân tình của nhiều quan chức Đức cao cấp theo như bà ta tự thú nhận. Nhưng lại có những tranh cãi về tên tuổi của họ, trong đó có cả Kronprinz (Thái tử) Wilhelm. Người ta nói là ông ta mê mẩn Mata Hari đến nỗi còn đem bà ta đi dự tập trận của quân đội; ở Silezi, bà ta đã nhảy trần truồng trong nhà ăn cấp tướng. Wilhelm bác bỏ điều này nhưng cũng không thanh minh gì cả.
Một tình nhân mang dòng máu hoàng gia khác có thể chính là con rể tương lai của Thái tử Đức - Quận công Braunschweigs, cháu trai của Hoàng hậu Alexandra, ông ta cũng là chi trưởng dòng Hannover của Hoàng gia Anh. Và một lần nữa lại không thể xác nhận sự thật.
Cho đến năm 1910, nước Đức đã đi đến kết luận rằng chiến tranh với Pháp là không thể tránh khỏi. Khi đó, theo truyền thuyết, Mata Hari đã được cử đi học ở trường tình báo ở Bazel. Khoá học đã không diễn ra vì những nguyên nhân không rõ và một lần nữa lại chẳng thể xác minh có bao nhiêu phần sự thật trong câu chuyện này.
Ngay trước chiến tranh, Mata Hari đã tròn 37 tuổi. Đường công danh của một vũ nữ thoát y đã đi đến hồi kết. Lẽ ra bà ta đã phải bình tĩnh lại và bắt đầu tìm kiếm một bến đỗ bình yên cho mình. Nhưng chính vào thời gian này, bà ta đã đưa ra những tuyên bố giật gân và bỉ ổi để một lần nữa thu hút sự chú ý của mọi người. Một lần bà ta công khai tuyên bố bà ta là con gái của hoàng tử xứ Wales, sau đó là của vua Edward VII, và của công chúa ấn Độ.
***
Ba ngày trước khi Thế chiến I bắt đầu, một nhân viên tình báo Anh đã nhìn thất Mata Hari ở Berlin, trong nhà hàng của khách sạn Adlon, cùng với chỉ huy cảnh sát Berlin, người họ hàng của bộ trưởng ngoại giao Đức von Jagow. Ba năm sau, cô ta đồng ý với điểm luận tội, trong đó có đềm cập đến khoản tiền 30.000 mác mà cô ta nhận từ viên cảnh sát đó. Nhưng cô ta tuyên bố đó là tiền thanh toán không phải cho việc làm gián điệp mà cho một phụ nữ đã phục vụ nhu cầu bản năng của ông ta trong một thời gian dài. Và một lần nữa thì đâu là sự thật và đâu là truyền thuyết? Các nhà bình luận tất thảy đều mơ hồ về điều đó.
Một mặt, chỉ huy cảnh sát Berlin dường như chẳng có gì chung với tình báo cả. Nhưng các nhà phê phán không am hiểu hệ thống cảnh sát Đức đã không đánh giá đầy đủ một yếu tố khác: von Jagow không chỉ là chỉ huy cảnh sát Berlin, mà còn là chỉ huy cảnh sát mật của Phổ, cơ quan sau này đã trở thành Gestapo (Gestapo (Geheime Staatspolizei) - Cảnh sát Mật Quốc gia của Đức phát xít (1933-1945) do trùm phát xít Hermann Goering sáng lập - ND).
Cảnh sát chính trị Phổ, ban 1A, chịu trách nhiệm về phản gián ở Berlin. Nếu Mata Hari, mà điều này khá chắc chắn, đã hoạt động trong nhiều năm trước như một nữ gián điệp kiêm gái điếm hạng sang, khi tiếp xúc với những vị khách thần thế của thủ đô Đức thì cô ta đã làm theo chỉ đạo của cảnh sát chính trị. Và trong trường hợp này, chỉ huy của cô ta nhất định là von Jagow chứ không phải ai khác.
Còn một giả thiết khác, có thể là đáng tin nhất: 30.000 mác - đó là khoản tiền mà xếp của Mata Hari trả cho cô ta khi thải hồi. Người Đức đã quyết định không sử dụng một thần dân Hà Lan trong thời gian chiến tranh. Hai ngày sau, một doanh nhân Hà Lan trông thấy Mata Hari tại một trong những khách sạn ở Berlin trong tình trạng hoàn toàn suy sụp. Đây là câu chuyện mà ông ta nghe được từ cô ta lúc đó: cô ta dường như là người Nga và sẽ phải biểu diễn trong tuần tới tại một chương trình tạp kỹ ở Berlin, nhưng người phụ trách trangh phục đã bị kẹt lại ở Paris cùng với đạo cụ. Chiến tranh làm đứt quãng tất cả những quan hệ trước đây và những hợp đồng của cô ta khiến cô ta mất việc, bởi vậy lúc này cô ta đang tuyệt vọng.
Doanh nhân giành riêng cho cô ta một chỗ trên chuyến tàu nhanh Amsterdam và trong vòng mấy tuần cô ta đã là khách của vợ chồng ông. Hiển nhiên, là một thiên tiểu thuyết đã được viết nên với một “nữ nghệ sĩ Nga” xinh đẹp và không may. Khi biết “cô gái Nga” này cũng là người Hà Lan như chính ông ta và chồng cũ của cô ta hiện đang sống ngay bên cạnh thì doanh nhân kia vội vã đánh dấu chấm hết cho thiên tiểu thuyết lãng mạn.
Từ thời điểm đó bắt đầu chương chính trong truyền thuyết về Mata Hari vĩ đại. Không thể liệt kê và đếm được những việc mà cơ quan tình báo Đức trong ba năm cuối giao cho cô ta. Những thành tích nổi bật nhất, mà có thể tất cả chỉ là chuyện giả dối, của Mata Hari gồm có:
1. Cô ta đã là chỉ huy cơ quan tình báo Đức ở Pháp và đã chỉ huy các chiến dịch mà trên thực tế là do một nữ gián điệp Đức bí hiểm khác ở đất Bỉ bị chiếm đóng có bí danh “Mademoiselle Tiến sĩ” vạch ra.
2. Cô ta đã moi được những chi tiết về kế hoạch bố phòng trứ danh của Pháp từ những người tình là sĩ quan cao cấp và chuyển chúng cho người Đức.
3. Cô ta đã trao cho Đức cả một lưới tình báo với 66 điệp viên của Pháp.
4. Cô ta đã cảnh báo cho Bộ Chỉ huy tối cao Đức về cuộc tiến công của người Anh ở vùng Somme và về cuộc tiến công của Pháp ở vùng Shemin de Dame.
5. Cô ta đã chuẩn bị cho việc đánh đắm 17 chiếc tàu vận tải quân sự Anh cùng với rất nhiều nạn nhân.
6. ẩn mình dưới lốt của một bà bà sơ từ thiện chăm sóc một đại uý quân đội Nga, “người duy nhất mà tôi đã yêu”, cô ta đã lợi dụng anh này để moi được các kế hoạch tác chiến tuyệt mật của Pháp.
7. Cô ta đã lấy được những bản vẽ bí mật của xe tăng bằng cách quyến rũ một sĩ quan Anh tại Madrid.
8. Cô ta đã trao cho người Đức thông tin về sự bố phòng của Verdun (Verdun, một thành phố ở Đông Bắc Pháp và là tên một phòng tuyến nổi tiếng nơi đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân Đức và Pháp từ tháng 2 đến tháng 12 năm 1916 - ND).
9. Cô ta đã trao cho Đức kế hoạch của Hải quân Anh dẫn đến Anh bị tổn thất chiếc tuần dương hạm cùng thống chế, huân tước Kitchener.
10. Cô ta đã trao cho người Đức các kế hoạch bay chiến đấu của Không quân Pháp.
Và tất cả những điều đó có thể là sự thật, mà cũng có thể không. Không thể khẳng định chắc chắn được. Ta đang nói về một cơ quan tình báo kia mà. Những sự kiện được xác định chính xác sẽ kém ấn tượng và ít kịch tính hơn nhiều.
Mata Hari ở lại Hà Lan cho đến khoảng giữa năm 1915, mà điều này thì một siêu gián điệp khó có thể làm được trong thời chiến.
Về sự nghiệp nghệ sĩ của cô ta, thì vào cuối năm 1914, một ông bầu Hà Lan đã tổ chức tiết mục biểu diễn ngay khi đang diễn một vở kịch opera. Tiết mục này lập tức bị loại bỏ sau lần ra mắt premera. Đây là lần biểu diễn cuối cùng của cô ta trong vai trò một vũ nữ.
Hà Lan vẫn là một quốc gia trung lập. Phòng phương Tây của cơ quan tình báo Đức đã đặt sở chỉ huy tác chiến ở Amsterdam với chỉ huy chính là viên thiếu tá, mà theo lời Mata Hari, là một trong những nhân tình của cô tá từ hồi còn ở Berlin. Thật khó mà nói là cô ta có duy trì quan hệ với anh ta vào đầu chiến tranh hay không. Nhưng có một điều rõ ràng là từ đầu năm 1915, Phòng Nhì Pháp đã bắt đầu nghi ngờ cô ta hoạt động gián điệp và tổ chức theo dõi cô ta.
Thỉnh thoảng, từ nửa cuối năm 1915, Mata Hari bất ngờ sang Paris. Cô ta giải thicý là cần tiền, mà đó chắc là đúng. sau chiến tranh, người Đức kiên quyết phủ nhận việc Mata Hari là gián điệp Đức, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì.
Khi ở Paris, Mata Hari, chắc chắn đã thư từ cho viên thiếu tá Đức thong qua đường bưu điện ngoại giao của Hà Lan. Nhưng vấn đề là cô ta viết cho ai, cho xếp hay cho người tình của mình? Viên thiếu tá đã gửi cho cô ta những khoản tiền lớn, tuy nhiên, vẫn như mọi khi, Mata Hari tuyên bố đó là tiền trả cho công phục vụ trên giường chứ không phải cho hoạt động tình báo. Tất nhiên cũng có không ít trường hợp khi mà các chỉ huy tình báo tuyển mộ các nhân tình làm việc cho mình và trả tiền cho họ bằng tiền lấy từ kinh phí hoạt động tình báo. Hoàn toàn có thể là Mata Hari đã nói sự thật. Nhưng cũng có thể như thế là cô ta đang lừa dối một cách tuyệt vọng.
Lời giải thích chính thức về những chuyến đi tới Paris là tiêu tán tài sản tại biệt thự của cô ta. Để làm việc đó chỉ cần vài tuần là đủ. Trong khi đó, cô ta đã ở lại Pháp tới bảy tháng. Cô ta ở lại đặc biệt ở lâu ở miền Đông Pháp là nơi triển khai nhiều đơn vị quân đội.
Vậy mà cô ta trở về Paris và bất ngờ tình nguyện xin làm việc cho tình báo Pháp. Sau này, tại toà, người ta đã chất vấn cô ta: “Tại sao?” Cô ta trả lời theo cách quen thuộc của mình: “Bởi vì tôi yêu nước Pháp, và tôi cũng còn cần có tiền nữa”.
Phòng Nhì Pháp không ngạc nhiên khi cô ta đề nghị được phục vụ. Không lâu trước đó, một trong những tình báo viên hàng đầu của Pháp đã bổ sung vào hồ sơ của cô ta: Mata Hari, trước chiến tranh, là gián điệp Đức, nhưng đã bị thải hồi. Anh ta còn bổ sung: Cô ta có thể sẽ đề nghị làm việc cho Phòng Nhì khi cô ta cần tiền.
Để tỏ lòng trung thành, Mata Hari đã cung cấp cho người Pháp một thông tin mật nêu chi tiết hoạt động nhập lậu vũ khí vào Maroc trên những chiếc tàu ngầm Đức. Thực ra phần lớn những tin tức này người Pháp đã biết rồi.
Phòng Nhì tiếp tục trò chơi mèo vờn chuột. Người Pháp có những nghi ngờ thực sự về lòng trung thành của cô ta vì họ biết chắc là nếu như không phải bây giờ thì ít ra mới cách đây không lâu, Mata Hari đã là một điệp viên Đức. Họ giao cho Mata Hari, với tư cách nhiệm vụ đầu tiên, đi sang nước Bỉ đang bị Đức chiếm đóng. Mata Hari không do dự đồng ý liền. Như vậy, Phòng Nhì đã bắt đầu giương ra cái bẫy được nghĩ ra rất tinh vi.
Vấn đề là ở chỗ Phòng Nhì có liên hệ với những điệp viên khá độc chiêu ở Bỉ. Đó là những tên tội phạm hình sự được bọn Đức thả khỏi tù với điều kiện chúng phải đề nghị làm gián điệp cho các nước đồng minh và như vậy trở thành các gián điệp đôi. Phòng Nhì đã biết rõ phần lớn số gián điệp này. Và người ta đã giao cho Mata Hari những chỉ thị cho những điệp viên tưởng như là của Pháp này. Người ta đưa cho cô ta một danh sách có sáu cái tên. Năm trong số đó đích thị là gián điệp đôi, còn người thứ sáu thì người Pháp không khẳng định như thế. Cái bẫy được lập ra như sau: Nếu như Mata Hari là gián điệp Đức thì cô ta lập tức chuyển đanh sách điệp viên Pháp cho tình báo Đức. Còn người Đức dĩ nhiên là sẽ không bắt những điệp viên của mình, và có thể sẽ không có gì xảy ra với năm người đầu tiên trong danh sách. Người thứ sáu chính là nhân vật chủ chốt trong trò chơi này.
Mấy tuần sau, cơ quan tình báo Anh báo cho Phòng Nhì Pháp: một trong cá điệp viên bí mật ở Bỉ đã bị quân Đức bắt và xử bắn, và London có bằng chứng cho thấy anh ta bị kẻ nào đó ở Paris tố giác. Người bị bắn chính là điệp viên thứ sáu vẫn còn khó hiểu với người Pháp ấy. Hoá ra anh ta là điệp viên ba mang. Anh ta là điệp viên của cơ quan tình báo Anh mà người Anh đánh vào cơ quan tình báo Đức, đồng thời lại làm việc cho cả người Pháp trong những công việc vụn vặt. Anh ta không tránh khỏi việc trở thành nạn nhân trong cái rừng rậm của gián điệp quốc tế và của chính những dục vọng cá nhân - đó cũng chính là điều đã xảy ra.
Cái bẫy này đã sập đủ kín hay chưa? Trong câu chuyện này thì tội lỗi của Mata Hari được chứng minh là không thể chối cãi đến mức như thế nào? Và mặc dù cô ta bị thẩm vấn rất bất công tại toà, các nhà bình luận vẫn bất đồng trong đánh giá. Đối với một số người thì cái bẫy hoạt động quá tốt và tội lỗi của Mata Hari đã được chứng minh 100%; còn đối với số khác thì không; và cả hai phía đều dẫn ra những chứng cứ có sức thuyết phục như nhau.
Đến giữa năm 1916, Mata Hari xuất hiện ở Madrid và bám theo cô ta là các mật thám Pháp mà một trong số đó cô ta đã nhận ra. Anh ta báo cáo: người phụ nữ bị tình nghi có liên hệ với nhà băng Đức ở Madrid và lãnh sự Đức ở Vigo, một cơ quan được biết rõ với tư cách một sào huyệt của gián điệp Đức đang theo dõi hạm đội Anh.
Có lẽ chính ở đây cô ta đã làm quen với một thuỷ thủ Đức trẻ tuổi có tên Wilhelm Canaris (1883-1945). Người ta khẳng định hình như cô ta đã trở thành người tình của chàng thuỷ thủ kia, một giả thiết mà một nhà chép tiểu sử Canaris đã kiên quyết bác bỏ. Canaris sau này trở thành đô đốc, người sáng lập và chỉ huy cơ quan tình báo quân sự Đức Abwehr từ năm 1935 cho đến khi bị hành quyết vè tham gia mưu sát Hitler).
Người ta còn trông thấy Mata Hari với các sĩ quan khác, mà thường là sĩ quan tình báo. Đồng thời câu chuyện của Mata Hari đã đan xen một cách kỳ lạ và khó nhận viết với câu chuyện của các nữ gián điệp khác, hình bóng của cô ta nhập nhoà và không thể phân tích, đánh giá.
Thật là khó nói thực chất mối quan hệ của Mata Hari với các sĩ quan Đức ở Madrid là như thế nào và nói chung những mối quan hệ đó có tồn tại hay không. Dù sao chăng nữa thì chính người Đức là hay bị cô làm cho lúng túng vào hơn bất kỳ ai. Trình tự chính xác của các sự kiện thì chẳng ai rõ, nhưng điều tuyệt đối chính xác là vào tháng 11 năm 1916, cô ta đã lên chiếc tàu biển Holland để tới Rotterdam.
Chiếc tuần dương hạm của binh đoàn tàu Anh đánh tín hiệu cho chiếc tàu khách Hà Lan với ý nghĩa “Tôi ra lệnh chạy tới Falmouth”. Hoá ra, không chỉ có người Pháp mà cả cơ quan tình báo Anh cũng đang theo dõi Mata Hari ở Madrid. Cô ta bị lôi khỏi chiếc tàu khách và đưa tới London. Tại Scotland Yard (Scotland Yard - tên thường gọi của trụ sở Cảnh sát Đô thành London (London's Metropolitan Police Force), cơ quan này có một phòng đặc biệt chuyên trách về phản gián - ND), thẩm vấn cô ta là Sir Basil Thomson, Trưởng phòng Đặc biệt.
Ông rất kinh ngạc khi người ta dẫn Mata Hari tới. Ông đang chờ đợi một phụ nữ láu lỉnh diễm lệ, vậy mà trước mặt ông lại là một phụ nữ trung niên, cao, phục phịch, da mặt xạm đen và đôi mắt đen sáng. Bà ta nhã nhặn, thông minh và sắc sảo.
Viên chỉ huy tình báo buộc tội bà ta liên hệ với người Đức ở Madrid. Bà ta không bác bỏ điều đó. Có gì lạ đâu, bà ta có nhiều bạn bè cơ mà. Bà ta chẳng quan tâm gì đến quốc tịch của họ vì bản thân bà ta là một công dân của một quốc gia trung lập là Hà Lan mà. Bà ta đã xác định được rất nhanh hướng thẩm vấn.
- Ngài hoàn toàn đúng, - bà ta bất ngờ nói, - tôi là tình báo viên. Nhưng không phải của Đức. Tôi là tình báo viên Pháp.
Và đây đúng là sự thật. Tuy không phải hoàn toàn, nhưng là sự thật. Bà ta không thể không biết là quý ngài ngồi đối diện bà ta có thể dễ dàng kiểm tra lời khai của bà ta bằng cách gọi điện hỏi các đồng nghiệp ở Paris.
Bà ta không phạm tội chống Vương quốc Liên hiệp Anh, Sir Basil trước đây đã từng là luật sư và ông hiểu rõ điều đó. Nhưng vì một nguyên nhân khó hiểu nào đó, ông đã không cho phép bà ta tiếp tục chuyến đi sang Hà Lan mà đưa trở lại Tây Ban Nha.
***
Người Anh có lẽ đã liên hệ với Phòng Nhì, cơ quan có lý do để muốn trông thấy Mata Hari ở Tây Ban Nha, chứ không phải ở nước Hà Lan trung lập. Thực ra chán nản bởi sự trở về Tây Ban Nha của Mata Hari là những người Đức ở Madrid. Họ gửi về sở chỉ huy tình báo Đức một bức điện có nội dung như sau:
“Điệp viên H21 đang ở Madrid. Cô ta đã xâm nhập được vào cơ quan tình báo Pháp, nhưng bị đưa khỏi chiếc tuần dương hạm của Anh và được đưa trở lại. Cô ta đang chờ chỉ thị và cần tiền”.
Như vậy, trong bất kỳ tình huống nào thì điệp viên của Phòng Nhì đang liên lạc với Mata Hari cũng đã chuyển được nội dung bức điện. Xếp tình báo Đức ở Hà Lan xin ý kiến của Berlin. Không lâu sau, người Đức đã gửi từ Amsterdam bức điện trả lời đến Madrid. Đến lúc đó, các chuyên viên Phòng Nhì đã khám phá được mật mã của Đức và thế là cả hai bức điện đều bị người Pháp đọc được.
Nội dung các bức điện tạo ra những điểm mâu thuẫn khá gay gắt. Theo lời khai của một số nhân viên tình báo Pháp, nội dung các bức điện chỉ có một ý nghĩa là Mata Hari là điệp viên đang hoạt động của Đức. Nhưng chỉ huy bộ phận mã thám của Phòng Nhì Pháp thì thận trọng hơn. Nhiều năm sau, ông nói rằng, bức điện trả lời viết:
“Một điệp viên tốt thời trước chiến tranh. Chúng ta chẳng cho cô ta cái gì từ khi bắt đầu chiến tranh. Hãy đưa cho cô ta 15.000 franc (hoặc pêsô; ngoại tệ có thể gây nghi ngờ)”.
Tiền phải được trả bằng séc, còn séc thì phải nhận ở sứ quán Hà Lan ở Paris. Mata Hari trở lại thủ đô Pháp. Và một lần nữa lại mờ mịt. Bà ta có nhận tiền ở Paris hay không, đó là điều không thể khẳng định chắc chắn được. Còn có một câu chuyện do một nghị sĩ nổi tiếng của hạ viện Anh kể rằng, hình như Mata Hari bị tố giác bởi một sĩ quan Anh đã cùng qua một đêm với bà ta ở biên giới Pháp-Tây Ban Nha. Các nhân viên Phòng Nhì khẳng định họ đã trông thấy cô ta lấy séc và lập tức đến ngay nhà băng để đổi ra tiền mặt như thế nào.
Sau chiến tranh, Mata Hari và phiên toà xử cô ta đã trở thành đối tượng tranh cãi quốc tế. Một số người thông cảm với cô ta tuyên bố rằng, cô ta đã bị giết để không tiết lộ những người tình cao cấp ở Pháp và Anh. Những người đồng cảm này đã đào bới, chẳng hạn, trong đóng giấy tờ của cô ta, được một bức thư, có tác dụng lật tẩy tác giả của nó với chữ ký “M.M.”. Một vụ xì căng đan đã bùng lên và bộ trưởng nội vụ Pháp khi đó M. Malvi đã bị triệu đến giải trình. Nhưng đây là dấu vết giả. Sau này người ta biết rằng, lá thư do tướng Messimit viết. Năm 1914, ông ta giữ một chức vụ cao trong quân đội Pháp. Nhưng viên tướng đã kiên quyết bác bỏ tin ông ta đã từng ngủ với Mata Hari. Nhưng ông ta cũng thừa nhận cô ta đã cố tìm cách quyến rũ ông ta nhưng không được!
Cũng giống như các toà án thời chiến ở các nước khác, ta cũng chả nên trách móc toà án Pháp làm gì. Họ điều tra dựa trên những lời khai của người khác, và đôi khi là chuyện đơm đặt. Đã có những thất bại lớn trong việc buộc tội. Nhưng Mata Hari vẫn cứ bị kết án tử hình và xử bắn vào mùa Thu năm 1917.
***
Án tử hình ấy có hoàn toàn công bằng không - đó là câu hỏi vẫn còn gây tranh cãi. Đúng là có một lúc nào đó, Mata Hari đã được xem là điệp viên Đức. Nhưng coi cô ta là điệp viên Đức đặc biệt quan trọng đã phản bội nước Pháp thì chắc chắn không đúng. Cô ta đáng phải ngồi tù ở mức án tù nào đó. Nhưng xử bắn thì chưa chắc.
Mata Hari luôn là một nhân vật cực kỳ mâu thuẫn. Cuộc đời của cô ta trong nhiều, nếu không phải ở phần lớn, các giai đoạn là một câu đố.
Cô ta vẫn là câu đố kể cả trong cái chết của mình.
***
Lời giải đố cuối cùng chúng ta còn phải đợi 20 năm nữa. Đúng vào năm 2017, 100 năm sau khi toà án luận tội, thì các tài liệu của “phiên toà thế kỷ” này mới được giải mật.
Còn tạm thời thì tên tuổi của Mata Hari vẫn bao phủ một màn bí ẩn. Theo tin của thông tấn xã Extra-Press, hình ảnh một nữ gián điệp kiêm vũ nữ đã được các ngôi sao màn bạc như Greta Garbo, Marlen Dietrich, Gianna Moro và Sylvia Kristel thể hiện trên phim. Có thể, đến năm 2017, danh sách này sẽ còn dài ra.
Gửi Bình Luận Facebook Blogger