Do phạm vi, đối tượng đấu tranh của CM-12 đã vượt tầm cỡ một “chuyên án”, mặt khác, do các đối tượng đấu tranh lại không đơn thuần là gián điệp biệt kích mà còn mang tính chính trị hết sức nhạy cảm, nên đến đầu tháng 6/1981, đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng gọi đây là “Kế hoạch CM-12”.

Bí mật của một chiến dịch phản gián - Phần 4
Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh (dấu khoanh tròn) cùng những gián điệp biệt kích khi ở nước ngoài.
Trong phiên liên lạc đầu tiên với trung tâm địch dưới danh nghĩa là "Tổ đặc biệt" vào lúc 21giờ ngày 25/5/1981, ta chỉ gửi một bức điện ngắn có nội dung như sau: "Tất cả đều an toàn và công tác đang xúc tiến. Vũ khí đã chôn giấu xong. Cần thêm cán bộ thành và tiền bạc. Hẹn 20 giờ ngày 28/5/1981 lên máy". Trung tâm của địch cũng chuyển cho "Tổ đặc biệt" một bức điện: "Tàu đã về tới B. vô sự. Ngày giờ khởi hành chuyến thứ nhì sẽ cho biết sau. Tổng đài sẽ trực máy theo giờ quy định".Phiên liên lạc đầu tiên thành công.

Đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm rất vui, khen ngợi các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Đêm hôm đó tất cả cùng được thưởng thức một nồi cháo gà thật ngon lành. Anh em cảm thấy sung sướng vì công việc bước đầu đã thành công.

Sau khi anh em về nghỉ, đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm và đồng chí Nguyễn Phước Tân bàn bạc về những công việc sắp tới. Đồng chí gợi ý là ta phải thiết kế một kế hoạch, chọn bãi đổ, làm “mật cứ” giả... Rồi cần phải đấu tranh với các mảng của địch trong nội địa như thế nào, làm sao cho địch bộc lộ hết những cơ sở của chúng ở trong nước...

* * *

Sau thắng lợi ban đầu là thực hiện việc liên lạc giữa CM-12 và “Tổng hành dinh” đã được “nối”, cơ quan an ninh bàn kế hoạch đón chuyến xâm nhập mới của địch. Kế hoạch được vạch ra rất khẩn trương và được báo cáo lên đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng. Sau đó vài hôm, ngày 29/5, Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo và nêu rõ 4 điểm cần chú ý nghiên cứu kỹ và bố trí kế hoạch thực hiện cho chu đáo. Đồng chí Bộ trưởng còn chỉ đạo cụ thể về cách tổ chức đón bắt địch xâm nhập.

Do phạm vi, đối tượng đấu tranh của CM-12 đã vượt tầm cỡ một “chuyên án”, mặt khác, do các đối tượng đấu tranh lại không đơn thuần là gián điệp biệt kích mà còn mang tính chính trị hết sức nhạy cảm, nên đến đầu tháng 6/1981, đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng gọi đây là “Kế hoạch CM-12”.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ nêu yêu cầu của Kế hoạch CM-12 là: Thu hút, đánh bắt hết các lực lượng xâm nhập theo kế hoạch của ta.  Thông qua bọn Túy - Hạnh để bóc gỡ lực lượng bí mật của chúng ở trong nội địa. Từ công tác đấu tranh phản gián trong Kế hoạch CM-12 ta cần nắm cho được  toàn bộ âm mưu của các thế lực thù địch với cách mạng nước ta. Bảo đảm an toàn tuyệt đối an ninh của đất nước, kiên quyết không để cho địch phá hoại. Nâng cao trình độ năng lực chiến đấu của lực lượng an ninh. Từng bước rút kinh nghiệm về tổ chức công tác an ninh trong quá trình đấu tranh.


Trong thời gian này, một mặt ta vẫn tiếp tục chuẩn bị về việc đón nhận chuyến xâm nhập tiếp theo của bọn gián điệp biệt kích, đồng thời tiến hành các biện pháp điều tra đối với các mảng khác trong nội địa có liên quan đến CM-12 như cụm Lê Quốc Quân,  cụm Lê Chơn Tình và cụm Hồ Tấn Khoa trong đạo Cao Đài. Tổ An ninh K4/2 được giao nhiệm vụ chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị, công an các địa phương liên quan như thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, An Giang... đấu tranh với các chuyên án có liên quan. Yêu cầu bảo đảm bí mật đối với công tác đấu tranh với CM-12 rất cao, nhưng ta lại phải đấu tranh với nhiều chuyên án có liên quan, phạm vi khá rộng, có nhiều đối tượng, vì vậy nhiệm vụ lại càng khó khăn gấp bội.

* * *

Trong khi đó, các yêu cầu của “chủ tịch” Lê Quốc Túy đều được “tổ công tác đặc biệt” thi hành một cách “nghiêm chỉnh” nhưng cũng làm cho Túy hiểu là không phải hoàn toàn dễ dàng.

Để có lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh trong chuyên án này,  đồng chí Trần Phương Thế, tức Tám Thậm, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị của Công an Minh Hải được chọn vào vai NK-A1, nghĩa là “Kinh Kha số 1” ở trong nước. Để tránh lộ bí mật, ta thường gọi NK-A1 là A1, tên thường dùng khi hoạt động của anh Tám Thậm là Hai Tài, còn bọn biệt kích thường gọi là Hai Râu vì anh Tám Thậm vốn có bộ râu quai nón rất đẹp.

Đồng chí Tám Thậm lúc đó mới ngoài ba mươi tuổi, tính điềm đạm, cẩn thận và chắc chắn. Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí làm hiệu thính viên, chữ viết rất đẹp. Địa bàn Cà Mau thì anh rất thông thuộc. Nếu có các tình huống xuất hiện ngoài dự kiến của Ban lãnh đạo kế hoạch anh cũng có đủ khả năng để xử lý khi cần thiết. Tuy nhiên, đồng chí Tám Thậm chưa hoạt động trong lòng địch, kinh nghiệm hoạt động bí mật chưa nhiều, chưa sử dụng ngôn ngữ trong chế độ cũ thường dùng trước đây.

Mặt khác, ở Minh Hải, rất nhiều người biết mặt đồng chí Tám Thậm, ta không loại trừ một số người vượt biên hoặc bọn biệt kích có thể nhận biết, nhất là trong trường hợp Túy, Hạnh yêu cầu ra nước ngoài để huấn luyện, hội họp... Nhưng đồng chí Tám Thậm có ngoại hình phù hợp với “vai” được giao, nhất là khi anh để râu quai nón, rất dễ ngụy trang và có thể khắc phục những “nhược điểm” ấy. Đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng và đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm tỏ ý hài lòng về sự lựa chọn này.

Người đóng vai NK-A2 là đồng chí Hồ Việt Lắm (hiện nay là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ), lúc đó là Phó Công an huyện phụ trách An ninh của Công an huyện Trần Văn Thời.

Đồng chí Mười Lắm cũng là người địa phương này, am hiểu ngọn nguồn sông lạch và là người đã được đào tạo về nghiệp vụ trinh sát. Một số cán bộ của Tổ An ninh K4/2 như Nguyễn Khánh Toàn, Vũ Thành Hà, Trần Tôn Thất, Trần Lương Tư..., khi cần có thể thực hiện các vai được phân công. Đồng chí Nguyễn Văn Xíu, tức Ba Tài cũng được chọn đưa vào kế hoạch với vai phụ tá điện đài và lo cơm nước, bảo vệ...

Các đồng chí này đều phải làm việc trong điều kiện giữ bí mật tuyệt đối. Thậm chí, họ hàng và người ngoài không biết các đồng chí này còn làm việc cho công an nữa...

* * *

Trong các bức điện gửi cho “Tổ đặc biệt”, Lê Quốc Túy cho biết ý đồ của y là định đưa vào 3 chuyến trong tháng 9/1981 với khối lượng vũ khí khoảng 40-50 tấn. Ngày 25/8/1981, trung tâm địch gửi một bức điện hỏi “Tổ đặc biệt” là “trong đêm có thể đổ hai bãi cùng một lúc được không, khoảng 15 tấn 2 tàu”. Cũng trong bức điện này chúng còn yêu cầu K64 chuẩn bị một địa điểm an toàn tạm trú cho “6 cán bộ thành”.

Như vậy là có thêm tình huống địch sẽ cho một toán gián điệp biệt kích xâm nhập trong chuyến này. Công việc chuẩn bị của ta không chỉ đón “hàng” mà còn bắt bọn gián điệp biệt kích, tổ chức khai thác để phục vụ công tác nghiệp vụ tiếp theo.

Trong phiên liên lạc vào lúc 21 giờ 30 phút ngày 31/8/1981, trung tâm địch thông báo cho “Tổ đặc biệt” 2 tàu xâm nhập sẽ khởi hành vào ngày 6/9/1981. Qua biện pháp trinh sát khác, chúng ta cũng nắm được quá trình chuẩn bị, tên tuổi cụ thể số “cán bộ thành” sắp xâm nhập  và chỉ huy chuyến xâm nhập này là T.N.C, có ám danh là K19.
Trong những ngày hạ tuần tháng 8/1981, công việc chuẩn bị rất khẩn trương. Sau khi nghiên cứu kỹ, ta quyết định chọn các bãi đổ cho Kế hoạch CM-12 ở vùng phía tây mũi Cà Mau chứ không ở phía đông. Vùng biển phía tây vừa có nhiều luồng lạch và thường lặng sóng. Bãi đổ ở khu vực này không sình lầy nhiều như vùng phía đông.
Kế hoạch được báo cáo lên đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng và được đồng chí Bộ trưởng phê duyệt.

Chiều 7/9/1981, đồng chí Cao Đăng Chiếm và đồng chí Nguyễn Phước Tân từ TP Hồ Chí Minh đi xuống Minh Hải. Các đồng chí Sáu Phương, Ba Dũng, Sáu Sáu, Tám Phú, Hoài Việt, Năm Xinh, Hai Minh từ công an các tỉnh đã có mặt tại trại Cây Gừa. Đồng chí Nguyễn Phước Tân thông báo tình hình và phân công từng đồng chí chuẩn bị khai thác đối tượng khi chúng bị bắt.

Gửi Bình Luận Blogger

 
Top