Phần 5: Cu Nên
Dạo ấy Hải Phòng hầu như tháng nào cũng án mà toàn những vụ ghê gớm cả. Những cái tên Cu Nên, Lâm “già”, Dung “Hà” khi ấy làm nhiều người dân khiếp sợ, không dám nói, cũng chẳng dám tố cáo bởi chúng là những tên cầm đầu của ba ổ nhóm tội phạm khét tiếng.
Riêng Cu Nên thì chơi trội hơn cả.
Nên sinh năm 1957, người gốc Hải Phòng, là con trai độc nhất trong một gia đình có 4 chị em vì anh trai của Nên đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Nên cao ráo, trắng trẻo nhưng có bộ mặt sát nhân, lạnh lùng và lỳ lợm.
Trong lịch sử tội phạm ở Việt Nam có lẽ Phạm Đình Nên là kẻ giữ kỷ lục về tiền sự với 22 tiền sự, trong đó đa số là về tội cướp và cố ý gây thương tích. Năm 1987, sau khi đi tập trung cải tạo về, vợ chồng Phạm Đình Nên chia tay và Nên trốn sang Hongkong. Ở trại tị nạn Hồng Kông 2 năm, Nên lấy vợ hai, sinh con rồi đến năm 1989 thì phải hồi hương.
Trở lại Hải Phòng, Nên thực sự trở thành một giang hồ cộm cán chuyên làm giàu bằng các sòng bạc. Chỉ trong vòng vài năm, với những đồng tiền bẩn thỉu kiếm được từ các hoạt động tội phạm, Nên trở thành một kẻ giàu có. Lúc đó, trong khi chiếc xe máy còn là tài sản lớn mà nhiều công chức cả đời ky cóp chưa mua nổi thì Phạm Đình Nên đã có xe hơi. Ngoài ngôi nhà 3 tầng to vật vã ở số 112 đường Lạch Tray, con đường đẹp và đắt giá nhất Hải Phòng, Nên còn bỏ tiền ra mua liền một lúc 5 căn hộ ở mặt đường ngay sát cạnh nhà Nên để phá bỏ làm xưởng sửa chữa ôtô.
Ngôi nhà 112 đường Lạch Tray trong một thời gian dài là hang ổ của băng tội phạm do Phạm Đình Nên cầm đầu. Trong nhà Nên, ngoài mẹ Nên, vợ chồng Nên và 3 đứa con lúc nào cũng có hàng chục tên đàn em túc trực, để bảo vệ tính mạng cho chú Nên như lời khai của Đinh Văn Lĩnh, tức Linh cu, một tay chân thân tín của Phạm Đình Nên.
Những tên đàn em này được Nên nuôi ăn hàng ngày, được Nên sắm sửa cho các vật dụng, trang sức đắt tiền, được Nên cho tiền tiêu và để đổi lại thì bọn chúng phải bắn, giết, cướp bất cứ lúc nào khi Nên ra lệnh.
Linh “cu” là một ví dụ. Nhà ở phố Lý Thường Kiệt, Linh nghiện ma túy từ năm 15 tuổi, mỗi ngày đốt khoảng 500 nghìn đồng. Cha mẹ Linh bỏ nhau, Linh ở với bố, một người cũng khá tiếng tăm trong giới giang hồ Hải Phòng. Cha Linh do có mối quan hệ thâm tình với Phạm Đình Nên từ khi Nên mới chỉ là tay trộm cắp vặt- nên mới gửi Linh xuống ở nhà Nên để nhờ chú cai nghiện và bảo ban cháu (?!).
Ở nhà Nên, Linh không những không cai được nghiện mà còn được huấn luyện thành tay đao búa. Sau này, trong tất cả các phi vụ cướp giết để bảo vệ danh dự cho chú Nên Linh “cu” đều có mặt và là kẻ hành động chính. Tuy nhiên, khi băng tội phạm Phạm Đình Nên bị đưa ra xét xử, Linh “cu” mới 16 tuổi nên y không bị kết án tử hình mà chỉ phải chịu hình phạt cao nhất đối với trẻ vị thành niên là 20 năm tù giam.
Khi thi hành án ở trại giam Nam Hà, Linh đã đánh chết một đồng phạm cùng buồng giam và tiếp tục bị xử phạt tù chung thân. Một thời gian sau, Linh “cu” trốn trại. Khi bị lực lượng cảnh sát trại giam truy bắt, Linh “cu” đã bắn trọng thương Đại úy Nguyễn Văn Phục, cán bộ trinh sát của Cục Cảnh sát trại giam. Với tội trạng này, Linh “cu” đã bị tuyên án tử hình.
Không giống như Linh “cu”, Đinh Văn Tuyển lại trở thành tay chân đắc lực của Phạm Đình Nên bởi sự lóa mắt vì tiền bạc. Tuyển sinh năm 1967, đẹp trai, cao to. Nhà Tuyển ở phường Vạn Hương, thị xã Đồ Sơn. Cả gia đình Tuyển làm nghề đi biển. Tuyển cũng xuất cảnh trái phép sang Hongkong và ở cùng trại tị nạn với vợ chồng Phạm Đình Nên. Sau này khi đã hồi hương, Tuyển không muốn quay về với nghề đi biển vì ngại khổ.
Vì thế, Tuyển đã tìm đến với Phạm Đình Nên và chỉ một thời gian sau Tuyển cũng được huấn luyện thành một tay đao búa. Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án còn lưu trữ tại Công an Hải Phòng thì trong tất cả 8 vụ cướp, giết, cố ý gây thương tích do Phạm Đình Nên chỉ huy, Tuyển và Linh cu thực hiện tội phạm “tích cực” nhất.
Sẵn có trong tay tiền bạc, vũ khí và cả một đám tay chân sát thủ, Phạm Đình Nên lộng hành như một ông trùm đao búa. Giữa ban ngày Nên xông vào tận trụ sở Công an phường Lạch Tray, nơi gia đình Nên cư trú để giải cứu cho đồng bọn khi tên này bị công an phường bắt giữ vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Không chỉ thế, Nên còn đe dọa sẽ bắn và tạt axít vào mặt phó trưởng công an phường.
Chỉ vì một xô xát nhỏ giữa gia đình chị ruột Nên và người hàng xóm, Nên đã cho đàn em đánh trọng thương một cán bộ của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng. Thậm chí ban đêm nhà Nên có trộm, một người đi đường không đuổi trộm hộ Nên cũng bị Nên sai tay chân ra đánh cho sây sẩm mặt mày.
Một tối gia đình Nên đang ăn cơm bỗng thấy có ai đó bắn vào cửa. Đoán đó là đám tay chân của Lâm già, lập tức Nên sai Linh “cu” và Tuyển, mỗi tên mang một khẩu súng đến tận cửa nhà Lâm “già” nã liền lúc hàng chục phát đạn vào nhà để dằn mặt.
Lần khác, Linh “cu” đi chơi xô xát với một thanh niên tên là Nguyễn Văn Cường. Linh gọi điện về báo cho Nên, lập tức Nên bảo Tuyển và mấy tên đàn em mang súng tới “giải quyết”. Nên bảo Tuyển cứ bắn chết thằng ấy cho tao và Tuyển đã nhằm vào Cường nổ hai phát súng nhưng may là Cường không trúng đạn. Hậm hực vì không giết được Cường, Nên bảo Tuyển đi đến nhà Cường lấy báng súng đập vào đầu bố Cường cho bõ tức (?!).
Khi cháu của Nên va chạm xe với một người đi đường, Nên sai Linh “cu”, Tuyển và một vài tên khác đi cùng Nên để xử lý. Tới nơi theo lệnh của Nên đám đàn em này không chỉ đâm trọng thương bạn của người đàn ông đã va chạm với cháu Nên mà khi người này phải vào Bệnh viện Việt – Tiệp cấp cứu, Nên còn cho tay chân theo vào tận bệnh viện để tiếp tục đâm.
Anh Trần Anh Tuấn, nhà ở Hồ Sen, con trai độc nhất của một người thương binh mù, bạn của người đàn ông nói trên khi hay tin bạn mình bị cấp cứu đến thăm đã bị Linh “cu”, Tuyển và đám đàn em của Phạm Đình Nên đâm chết ngay tại nhà gửi xe của bệnh viện. Vụ án này đã gây căm phẫn cao độ trong quần chúng nhân dân thành phố Cảng…
Chỉ vài tháng sau khi đảm nhận trách nhiệm Phó giám đốc Công an thành phố phụ trách cảnh sát, Đại tá Trần Đồn đã có trong tay toàn bộ hồ sơ về tội trạng của băng tội phạm Phạm Đình Nên. Trong khi làm án, ông luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh người thương binh mù cả hai mắt trong nỗi đau mất con.
Tờ mờ sáng ngày 15/3, hàng đoàn xe ôtô của Công an Hải Phòng được hóa trang bằng các biển số xe Hà Nội đã đổ quân xuống tiền sảnh của Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Tiệp, để từ đây hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng cảnh sát điều tra, cảnh sát hình sự, cảnh sát bảo vệ… đã bao vây chốt giữ ở tất cả các điểm xung quanh ngôi nhà 112 Lạch Tray.
Đúng 10h30, ông ra lệnh cho các lực lượng vây bắt từ các vị trí phục kích đồng loạt đột nhập vào nhà số 112. Công an đã bắt giữ Phạm Đình Nên cùng 6 tên đồng bọn, thu 10 nghìn USD cùng nhiều trang sức bằng vàng.
Khám xét nhà Nên và khu vực hầm ở phía sau nhà thu giữ 1 súng tiểu liên, 3 súng ngắn, 47 viên đạn, 1 quả lựu đạn và nhiều lê, kiếm. Trận đánh nhanh, gọn, không phải nổ súng, đảm bảo an toàn cho lực lượng công an và nhân dân xung quanh. Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã gửi điện khen Công an Tp. Hải Phòng.
Nhân dân thành phố đổ ra đường chào đón lực lượng công an. Hoa và thư khen của quần chúng nhân gửi đến Công an thành phố nhiều vô kể. Phạm Đình Nên sau đó bị tuyên án tử hình.
Trong những ngày chờ thi hành án, Phạm Đình Nên đã làm thơ gửi vợ, ao ước được trở về với cuộc sống nghèo khó mà lương thiện: “Đêm lạnh trong tù anh nhớ về dĩ vãng/ Nhớ vợ hiền và đứa con thơ/ Nhớ mái nhà tranh dột nát năm nào/ Giờ thân tội tù như chim lồng cá chậu…
Phần Trước: Phần 4 - Dung Hà
Phần Sau: Phần 6 - Lâm Già
Gửi Bình Luận Facebook Blogger