Một huyền thoại đối với các cơ quan tình báo phương Tây trong hơn nửa thế kỷ, Ernst Wollweber được gọi là chuyên gia phá hoại vĩ đại của thế kỷ XX. Đây quả là một nhân cách lỗi lạc. Chỉ tiếc là tài năng xuất chúng của ông đã được sử dụng không phải để xây dựng mà là để phá hoại.
Wollweber bí ẩn

Một ông già 65 tuổi ục ịch bé nhỏ, chân ngắn ngủn sống ở Đông Berlin đã là một huyền thoại đối với các cơ quan tình báo phương Tây trong hơn nửa thế kỷ. Một số người gọi Ernst Wollweber là chuyên gia phá hoại vĩ đại của thế kỷ XX. Số khác thì cho rằng tất cả những câu chuyện về những chuyến phiêu lưu phi thường của ông không khác gì chuyện thần thoại hoang đường.

Ernst Wollweber
Chỉ bản thân Wollweber mới có thể kể lên sự thật về mình. Nhưng những người như ông chả mấy khi nói lên hết sự thật. Một số ít sự kiện được xem là đáng tin cậy trong cuộc đời của con người này chấn động đến nỗi tác giả của những dòng chữ này, người từng ở Đông Berlin, cũng không thể không gửi cho Wollweber một lá thư đề nghị sẽ có thù lao hậu hình nếu ông đồng ý gặp và kể về mình.

Câu trả lời mong đợi đã không đến. Cuộc gặp không diễn ra. Và bởi vậy, điều mà các bạn sẽ được đọc ở đây là dựa trên những câu chuyện của những người thứ ba mà xác nhận chúng bằng văn bản là việc rất khó. Người ta đều cho rằng, Ernst Wollweber là sĩ quan của cơ quan mà trong những thời kỳ khác nhau nó có tên gọi khác nhau như GPU, NKVD, MVD, MGB và bây giờ là KGB.

Ông sinh ra trong một gia đình thợ mỏ nghèo. Ông sớm thôi học, lăn lộn trên các cảng ở biển Bắc nơi ông chủ yếu làm tại các bến tàu. Gia đình ông theo đuổi những quan điểm cực tả, chính vì thế mà Ernst ngay cả trước khi bị gọi vào hải quân Đức, đã gia nhập phong trào thanh niên xã hội chủ nghĩa. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà ở nước Đức và tất nhiên là cả trong hạm đội lan truyền tin về chiến thắng của Cách mạng Bolshevik năm 1917 và các cuộc phản đối bắt đầu nổ ra thì Wollweber đã trở thành một thành viên tham gia tích cực.

Đến mùa thu năm 1918, anh thợ đốt lò trẻ đã trở thành một trong những lãnh tụ của phong trào cách mạng trong hạm đội. Đến lúc đó, ông đã gia nhập vào “Liên minh Spartak” (sau này Đảng Cộng sản Đức đã phát triển từ tổ chức này) do những lãnh tụ nổi tiếng của phong trào cánh tả Karl Libnecht và Rosa Luxembourg lãnh đạo.

Đến cuối năm 1918, một điều trở nên rõ ràng là nước Đức đã bại trận. Chỉ cần có một tia lửa là đủ làm bùng lên ngọn lửa khởi nghĩa. Và uỷ ban cách mạng Kiel đã là tia lửa ấy. Vào đầu tháng 11 đã nổ ra cuộc nổi loạn trong hạm đội. Tín hiệu khởi nghĩa là lá cờ đỏ được kéo lên trên con tàu Helgoland đang đậu ở cửa kênh Kiel. Lá cờ ấy do Ernst Wollweber kéo lên.

Ngày 9 tháng 11, Hoàng đế Đức thoái vị. Cuộc cách mạng lan rộng khắp đế chế.

Chính trong những ngày sục sôi ấy ở Kiel, Wollweber đã làm quen với một nhà cách mạng trẻ khác có tên là Richard Sorge, người sau này đã trở thành một trong những nhà tình báo lẫy lừng nhất thế kỷ.

Với việc ra đời của nền cộng hoà xã hội chủ nghĩa Weimar, Wollweber cũng như Sorge chuyển tới Hamburg, nơi đã mau chóng trở thành bản doanh của Đảng Cộng sản ở Bắc Đức. Ông đã trở thành một nhân vật nổi tiếng ở đây.

Đến đầu những năm 20, những người cộng sản Đức là một trong những nhóm có ảnh hưởng nhất tại Quốc tế Cộng sản và trong cơ quan trung ương của nó ở Moskva.

Để hoàn thành những nhiệm vụ đặc biệt trong cuộc đấu tranh lâu dài với thế giới tư bản chủ nghĩa, các lãnh tụ Xôviết và Quốc tế Cộng sản đang tìm kiếm cho mình những chiến sĩ trung thành. Các lãnh tụ Quốc tế Cộng sản đã biết đến vai trò của Wollweber trong cuộc nổi dậy ở Kiel nên đã để ý tới Ernst. Một trong những lãnh tụ Quốc tế Cộng sản, Manuilsky, người phụ trách việc tuyển mộ tình báo viên ở nhiều nước, lại tới nước Đức và thuyết phục Wollweber sang nước Nga Xôviết. Thế là Ernst Wollweber đã thực hiện bước đi đầu tiên trong công việc mà sau này đã trở thành sự nghiệp của cả đời ông.

Wollweber đã ở lại Moskva hai năm.Tại đó, ông chuẩn bị cho việc trở thành một nhân vật chủ chốt trong một nhà nước Xôviết mới, nhà nước mà theo Quốc tế Cộng sản, sẽ tất yếu xuất hiện ở nước Đức.

Trong thời kỳ đó, hoạt động của một loạt đại diện Quốc tế Cộng sản thường gắn chặt với các cơ quan tình báo và an ninh Xôviết. Bởi vậy có thể cho rằng, Wollweber đã được tuyển mộ ngay từ lúc đó. Ông được huấn luyện tiến hành các chiến dịch bí mật ở nước ngoài với vai trò chỉ huy nhóm phá hoại trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa Liên Xô và thế giới tư bản chủ nghĩa.

Sau khi hoàn thành khoá đào tạo chính trị và huấn luyện nghiệp vụ thực tế, vào cuối những năm 20, Wollweber lại xuất hiện ở Đức. Lúc ấy, ông đã là đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Đến năm 1928, ông trở thành nghị sĩ nghị viện Phổ mà chiếm đa số là các đảng viên xã hội. Bốn năm sau, ông đã là đại biểu của cộng sản trong Quốc hội Đức, khoá quốc hội cuối cùng mà các nghị sĩ cộng sản còn được chấp nhận.

Trong những năm đó, địa bàn hoạt động chính của Wollweber là các hải cảng ở Bắc Đức vốn rất quen thuộc với ông. Tại đó, dưới vỏ bọc của Liên hiệp thuỷ thủ và công nhân cảng quốc tế do Moskva chỉ đạo, Wollweber đã bắt đầu lặng lẽ thành lập các nhóm phá hoại ven biển. Cho đến lúc đó, ông đã thay đổi rất nhiều: hình ảnh một gã trai buông thả, khoái các cô gái trẻ và rượu trẻ, lêu lổng với quan điểm thiên tả đã lùi vào quá khứ. Wollweber đã biến thành một lãnh tụ cộng sản gàn bướng, góc cạnh và tàn nhẫn, thô lỗ và vẫn khoái rượu như trước.
Ông dần dần lùi khỏi hoạt động công khai trong Đảng Cộng sản Đức, không còn phát biểu trên các diễn đàn chính trị nữa. Do đó, khi mà Hitler giành được quyền lực vào đầu năm 1933 và các lãnh tụ nổi tiếng của đảng bị bắt giữ thì Wollweber vẫn tiếp tục hoạt động. Trong mấy tháng, ông đi khắp đất nước để cứu giúp, nếu có thể, những đồng chí đảng viên và tạo lập hạt nhân của phong trào cộng sản bí mật sẽ còn hoạt động trong hai mươi năm tiếp đó.

Vào thời kỳ nằy, Wollweber đang thực hiện chức năng kép, vừa là uỷ viên Ban Tây Âu của Quốc tế Cộng sản, vừa là sĩ quan tình báo Xôviết làm nhiệm vụ tổ chức các nhóm tình báo và phá hoại để chống lại bọn quốc xã. Trong những tháng này, tài năng của ông trưởng thành rất nhanh. Ông trở thành một người sâu sắc, thận trọng, trầm tĩnh, không ưa mạo hiểm, ít nói và tránh những nơi tụ tập đông người, nói chung là đã có được tất cả những phẩm chất của một nhân viên tình báo.

Khi bọn quốc xã giành được chính quyền ở Đức, Ban Tây Âu của Quốc tế Cộng sản đã đặt trụ sở của mình ở Copenhagen. Lợi dụng điều đó, các cơ quan tình báo Liên Xô đã lệnh cho Wollweber đánh vào tổ chức này một nhóm thuỷ thủ-chuyên gia phá hoại hoạt động dưới vỏ bọc Liên hiệp thuỷ thủ quốc tế.

Theo các nguyên tắc của tình báo Liên Xô, hoạt động của lưới tình báo mới của ông phải được giữ kín với các đồng chí của ông trong Quốc tế Cộng sản.

Wollweber nhanh chóng thiết lập các câu lạc bộ thuỷ thủ quốc tế đầy đủ tiện nghi ở khắp các cảng quan trọng nhất ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Các câu lạc bộ này thu hút đủ mọi loại thuỷ thủ mà một số trong số đó chỉ cần chút rượu mùi và những đàn bà rẻ tiền là có thể tuyển vào làm việc cho tổ chức mà sau này đã trở nên nổi tiếng đối với các cơ quan tình báo phương Tây với cái tên Liên đoàn Wollweber.

Trong những phòng phía sau hoặc dưới các tầng hầm của những câu lạc bộ này ở khắp nơi, từ Rotterdam đến Rio là các trụ sở chỉ huy tác chiến bí mật của lưới Wollweber. Chính ở đó, người ta vạch ra các chiến dịch, chỉ đạo các điệp viên, làm giả hộ chiếu và chế tạo bom. Ngoài ra, các câu lạc bộ còn được sử dụng làm hòm thư để các điệp viên Liên Xô “bỏ” báo cáo tin để chuyển tiếp về Moskva.

Chỉ huy lưới này là 25 người do Wollweber đích thân chọn lựa. Họ không chỉ là người Đức mà còn có cả người Đan Mạch, Thuỵ Điển, Hà Lan, Bỉ, Pháp và ít nhất là một người Anh, người này đã lập được những thành tích rất to lớn. Bản thân Wollweber cũng đi lại như con thoi từ Copenhagen (Đan Mạch) đến Hamburg (Đức), từ Antwerp (Bỉ) đến Marseile (Pháp) để chỉ huy những chiến dịch chủ yếu.

Dấu vết rõ rệt đầu tiên của Liên đoàn Wollweber mà chính quyền các nước phương Tây lần theo đã xuất hiện vào cuối năm 1933. Một trong những điệp viên của Wollweber đã bị bắt ở Rotterdam khi anh ta đang định đưa thuốc nổ lên một con tàu. Người ta biết đích xác rằng, việc con tàu Italia Feltze bị đánh đắm ở vịnh Taranto và con tàu Nhật Tajima Maru bị diệt trên đường từ Rotterdam sang Viễn Đông chính là do bàn tay của các chuyên gia phá hoại của Wollweber.

Với độ chắc chắn ít hơn, có thể nói về vụ cháy đã huỷ diệt con tàu khách sang trọng George Phillipar của Pháp ở vịnh Aden vào tháng 5 năm 1932. Một trong những nhà lãnh đạo lúc đó của Liên đoàn Wollweber non trẻ đã đến Marseile không lâu trước khi con tàu lên đường thực hiện chuyến đi biển đầu tiên của mình mà trên đó, theo dự đoán, được lèn đầy vũ khí cho quân đội Nhật Bản ở Mãn Châu Lý.

Trên boong tàu có một chuyên viên phá hoại thuộc nhóm Wollweber. Có thể là những đám cháy nhỏ vào đầu chuyến đi và trong thời gian tàu bỏ neo ở Thượng Hải cũng chính là do anh ta gây ra. Nguyên nhân của đám cháy lớn đã thiêu huỷ con tàu cho đến nay vẫn còn là điều bí mật. Người điệp viên của Wollweber đã hy sinh trong vụ hoả hoạn này. Một số chuyên viên cho rằng, cũng có thể đám cháy xảy ra một cách tình cờ.

Người ta còn ghi nhận một số vụ cháy vào đầu những năm 30 mà có thể có sự dính líu của nhóm Wollweber. Tuy nhiên, không có số liệu chính xác về điều này. ở đây, người ta muốn nhắc đến hai đám cháy trên boong con tàu khách Bermuda của Anh đã cháy trụi trong vịnh Belfast; đám cháy trên tàu Duke of Lancaster; nhiều vụ cháy trên những con tàu Pháp, kể cả con tàu khách khổng lồ Ile de France.

Cùng với cuộc nội chiến nổ ra ở Tây Ban Nha vào năm 1936, Liên đoàn Wollweber cũng đã đột ngột đẩy mạnh hoạt động của mình. Một số lớn tàu bè, trong số dó có các tàu Anh, chở hàng cho Franco đã bị hư hỏng nặng nếu như không bị đánh đắm. Các vụ phá hoại lan sang cả Thuỵ Điển, nơi mà các điệp viên của Wollweber tiến hành phá hoại các nhà máy điện cung cấp điện năng cho việc khai thác và chuyên chở quặng sắt cho bọn quốc xã.

Mặc dù các chiến dịch phá hoại được tiến hành chống tất cả các nước phương Tây, nhưng mục tiêu chính của Wollweber là nước Đức quốc xã. ở Hamburg, ông đã thành lập một tổ tình báo thiện nghệ để thu thập tin về sự di chuyển của tàu bè và hàng hoá mà chúng chuyên chở.

Đến giữa năm 1937, điều tra hoạt động của các nhóm của Wollweber trở thành một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Gestapo. Bản thân ông đã che giấu tài tình hoạt động của mình để tiếp tục đi lại tự do qua biên giới Đức-Đan Mạch. Trong một chuyến đi như vậy, ông suýt nữa bị bắt. Khi ông vừa kết thúc phiên liên lạc với tổ trưởng địa bàn của mình ở Hamburg thì bọn Gestapo xông vào nhà. Hai chiến hữu, một người đàn ông và một phụ nữ trong nhóm của Wollweber, làm việc ở xưởng đóng tàu Hamburg, đã bị bắt. Bản thân Wollweber thì trốn thoát và an toàn chạy sang Đan Mạch mặc dù ông bị chăng bẫy khắp nơi. Mười hai điệp viên của ông đã bị treo cổ.

Bất chấp thất bại này, Wollweber đã khôi phục được nhóm của mình ở Đức và không bao lâu sau, họ lại tiếp tục hoạt động phá hoại. Ngay trước Thế chiến II, các điệp viên của Wollweber đã cài mìn hẹn giờ trên những con tàu chở hàng hoá của bọn quốc xã.

Gestapo và các cơ quan phản gián phương Tây vẫn chưa phải là mối lo duy nhất của Wollweber trong những năm trước chiến tranh. Bởi vì lúc đó cũng chính là thời kỳ có những cuộc “thanh trừng” ở Nga. Và chúng chút nữa thì phá sập tổ chức mà ông đã dày công lập nên. Trong vòng sáu tháng, Wollweber mất liên lạc với Moskva. Tuyệt vọng, ông cử một phái viên đặc biệt tới gặp người bạn cũ, nhà lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ cộng sản Bulgari Georghi Dmitrov. Nhưng Dmitrov cũng không thể giúp gì được cho ông. Khi Wollweber đã nghĩ là lối thoát duy nhất cho ông là giải tán nhóm thì bỗng bản doanh cơ quan an ninh ở Moskva nối lại liên lạc với ông cứ như là chẳng hề có sự gián đoạn liên lạc lâu đến như thế.

Cho đến thời gian đó, lưới của Wollweber đã hoàn toàn độc lập và có khả năng hoạt động độc lập. Vào giai đoạn đầu hoạt động, Wollweber duy trì liên lạc với trung tâm tình báo (tổ tình báo nằm ở nước ngoài, thường là ở sứ quán, đứng đầu là một trưởng trung tâm - ND) Liên Xô tại Paris, cung cấp cho trung tâm tài liệu giả, thuốc nổ và các tài liệu cần thiết khác. Nhưng ông nhận định điều đó không phải là không nguy hiểm. Bởi vậy, ông đã ngừng liên lạc với hầu như với tất cả các tổ tình báo Liên Xô ở phương Tây. Không quá một người được biết chi tiết các kế hoạch do ông chuẩn bị. Wollweber yêu cầu phải xây dựng câu chuyện nguỵ trang cho các liên lạc viên và điệp viên thật kỹ lưỡng cho đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Do đó, khác với các tổ chức khác, họ không bị hố ngay cả khi bị thẩm vấn cặn kẽ nhất.

Ông là người phản đối loại báo cáo viết. Các giao thông viên của ông chuyển thông tin bằng miệng. Trong trường hợp nhất thiết phải có báo cáo viết thì chúng được viết bằng mực không màu - nước chanh hoặc nước hành.

Mỗi thành viên của Liên đoàn có ít nhất một cái tên dự phòng. Họ làm việc thông qua rất nhiều người liên lạc không biết gì về Wollweber và những người thân tín của ông. Thuốc nổ và các vật tư trang bị khác được cất giấu trên khắp châu Âu và có thể lấy chúng bất kỳ lúc nào. Hầu như tất cả người của ông đều là dân chuyên nghiệp, trước đó đã từng làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, nhiều người đã chứng tỏ lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Liên Xô từ hồi nội chiến Tây Ban Nha. Người ta còn sử dụng hệ thống mật ngữ của Wollweber, theo đó “thịt” dùng để chỉ thuốc nổ, còn “dao” là chỉ bom lắp đồng hồ hẹn giờ.

Liên đoàn Wollweber đã bị giáng một đòn chí tử vào mùa xuân năm 1940 khi quân Đức đánh chiếm Nauy và Đan Mạch. Nhiều thành viên của tổ chức đã bị bắt ở Copenhagen và bị đưa ra toà vì tội phá hoại.

Địa bàn an toàn duy nhất còn lại là Thuỵ Điển và vào đầu tháng 5, Wollweber đang phải lẩn trốn kể từ khi quân Đức chiếm được Đan Mạch, đã sang Scandinavia. Ông không kịp sang đất Thuỵ Điển trung lập bằng giấy tờ giả với cái tên Đan Mạch Friz Keller thì đã bị bắt và bị kết án 6 tháng tù.

Mặc dù vắng mặt Wollweber, tổ chức của ông vẫn tiếp tục hoạt động. Việc ký kết hiệp ước Molotov-Ribbentrop cũng không làm cho Liên đoàn ngừng hoạt động chống lại tàu bè của các nước khối Trục. Cho đến cuối năm 1940, các chiến dịch của Liên doàn đã trở thành vấn đề lớn đối với chính quyền quốc xã, và Reinhard Heydrich, xếp Cục An ninh đế chế SD thậm chí đã phải làm một báo cáo chuyên đề về vấn đề này.

Liên đoàn Wollweber, theo lời Heydrich, người đã gọi tổ chức này không gì khác hơn là “tổ chức khủng bố cộng sản hoạt động trên khắp châu Âu”, là thủ phạm gây ra các sự cố trên 16 tàu Đức, 3 tàu Italia và 1 tàu Nhật. Phương thức hoạt động của chủ yếu của các chuyên gia phá hoại là gây cháy trong khoang chở hàng của tàu. Hai trong số các tàu nêu trên đã bị huỷ diệt hoàn toàn, những vụ còn lại gây ra ít thiệt hại hơn nhiều.

Các trung tâm chính của hoạt động phá hoại của nhóm Wollweber là Hamburg, Bremen, Danzig, Rotterdam, Amsterdam, Copenhagen, Oslo, Riga và Revel. Chỉ huy các chuyên viên phá hoại ở Hà Lan là một đảng viên cộng sản, người sở hữu một câu lạc bộ quốc tế ở khu cảng Rotterdam. Thuốc nổ được đưa tới từ Scandinavia, mà đúng hơn là từ vùng khai thác quặng sắt ở Thuỵ Điển.

Trong báo cáo nêu trên của Heydrich có nói rằng, các điệp viên của ông ta đã phát hiện được các căn cứ bí mật của Liên đoàn Wollweber trên các đảo Dage và Ozel ở biển Baltic. Các căn cứ này sẽ bắt đầu hoạt động một khi quân Đức chiếm các đảo này hoặc khi chiến tranh nổ ra giữa Liên Xô và Đức.

Qua việc thẩm vấn những thành viên của tổ chức này bị bắt ở Đan Mạch, Heydrich đã đi đến kết luận rằng, các chiến dịch sau đó sẽ nhằm vào các căn cứ tàu ngầm Đức nằm dọc bờ biển Tây Bắc Âu, vào các tàu chở dầu đang đậu trong cảng, cũng như các kho tàng của không quân Đức.

Còn có các chứng cớ cho phép dự đoán rằng, một số nhóm thuộc tổ chức của Wollweber đã liên hệ với thành tố cộng sản trong phong trào kháng chiến ở Pháp, cũng như ở các nước khác và đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp của các nước đồng minh sau khi Đức bắt đầu cuộc chiến tranh chống nước Nga vào năm 1941.
Trong khi đó thì “các cơ quan có thẩm quyền” ở Thuỵ Điển đã bắt đầu có những khám phá đáng kinh ngạc liên quan đến một người Đức 40 tuổi trầm tĩnh dùng giấy tờ giả của một người Đan Mạch. Người Thuỵ Điển sửng sốt khi phát hiện ra rằng chi nhánh tổ chức của Wollweber tại nước này đã bắt đầu hoạt động ít nhất là từ năm 1938. Sau khi quân Đức chiếm được Nauy và Đan Mạch thì Stockholm hiển nhiên đã trở thành chỉ huy sở của các tổ chức trong Liên đoàn Wollweber hoạt động ở Bắc Âu.

Vụ phá hoại trên chiếc tàu Phần Lan trong cảng Thuỵ Điển vào năm 1941 đã là chứng cứ cho thấy tổ chức này không ngừng hoạt động của mình. Wollweber và các chiến hữu chủ chốt người Đức và Thuỵ Điển đã bị bắt. Toà án kết án ông ta ba năm tù. Và ngay lập tức đã nổ ra cuộc đấu giành Wollweber giữa Gestapo và NKVD của Liên Xô.

Chính quyền Đức quốc xã có cơ sở để khẳng định Wollweber là một công dân Đức đang bị truy nã vì tội tiến hành nhiều hành động phá hoại cần trừng phạt theo luật hình sự đối với các tàu Đức. Họ yêu cầu Thuỵ Điển giao ông cho đệ tam đế chế sau khi hết hạn tù. Các cơ quan tình báo Xôviết không hề muốn trao vào tay bọn quốc xã người chỉ huy của một trong những lưới tình báo xuất sắc nhất của mình. Kremlin huy động vào cuộc cả vị đại sứ Liên Xô đầy thế lực tại Stockholm, bà Aleksandra Kollontai, một phụ nữ có xuất thân quý tộc, một trong những bạn chiến đấu gần gũi nhất của Lenin vào năm 1917. Bà tuyên bố với chính phủ Thuỵ Điển là Wollweber đã biển thủ một khoản tiền lớn từ ngân sách của nhà nước Xôviết. Tuy nhiên, điều đó chả có tác động gì đối với chính phủ Thuỵ Điển.

Sau đó, bà Kollontai lại khẳng định Wollweber là công dân Liên Xô, điều trên thực tế hoàn toàn là sự thật.

Điều đó xảy ra vào năm 1944. Những người Thuỵ Điển thận trọng cuối cùng cũng đã hiểu bên nào sẽ chiến thắng. Vào tháng 11 năm 1944, Wollweber, sau khi hết hạn tù ở Thuỵ Điển, đã được đưa tới sân bay Stockholm, lên một chiếc máy bay Liên Xô và lập tức nó cất cánh lên không trung. Tại Moskva ông đã được tiếp đón rất trọng thể.

Sáu tháng sau, Ernst Wollweber trong bộ quân phục sĩ quan Nga đã tiến vào Berlin cùng với các đơn vị của Nguyên soái Zhukov.

Theo các điều khoản của hội nghị Potsdam vào mùa hè năm 1945, người ta đã chính thức chia nước Đức thành bốn khu vực chiếm đóng. Theo quyết định của lãnh đạo KGB ở Moskva, Wollweber được cử tới vùng Rhur thuộc khu vực chiếm đóng của Anh với một “nhiệm vụ đặc biệt”. Người ta vẫn chưa biết nhiệm vụ đó là gì nhưng hiển nhiên là nó nhằm chống lại người Anh. Vào phút chót, Moskva đã huỷ bỏ mệnh lệnh. Beria (Lavrenty Pavlovich Beria (1899-1953), chỉ huy cơ quan an ninh quốc gia Liên Xô (1938-1953) và là một trợ thủ đắc lực của Joseph Stalin. Sau khi Stalin chết, Beria bị xử và hành quyết vì tội phản quốc vào ngày 24 tháng 12 năm 1953), xếp của các cơ quan an ninh quốc gia Xôviết và những thuộc cấp của ông ta cảm thấy ở phương Tây người ta đã biết Wollweber uqá rõ. Ông có thể rơi vào tay cơ quan tình báo Anh SIS. Bởi vậy sẽ an toàn hơn cho tất cả là để ông ở lại Đông Đức.

Wollweber được bổ nhiệm làm cục trưởng Cục Vận tải hàng hải của Đông Đức với chức danh quốc vụ khanh thường trực. Nhưng ông ta chỉ dành rất ít thời gian cho việc tổ chức đi lại cho các con tàu cộng sản. Vẫn như trước đây, công việc chủ yếu của ông là những con tàu của các cường quốc phương Tây.

Phó mặc việc điều hành công việc của Cục Vận tải hàng hải Đông Đức cho các cấp dưới, Wollweber quay về với nghề nghiệp chỉ huy tình báo của mình.

Người Nga giao cho ông hai nhiệm vụ. Một là phục hồi Liên đoàn Wollweber dưới vỏ bọc trường hoa tiêu miền Đông tại Wustrou. Hai là thiết lập một chợ đen lớn để mua và chuyên chở (lậu) các mặt hàng chiến lược mà khối cộng sản cực kỳ cần có từ Tây Âu qua “bức màn sắt” sang phía Đông. Trong vòng bảy năm, từ năm 1946 đến năm 1953, Wollweber đã rất thành công ở cả hai nhiệm vụ này.

Tuy vậy, công việc hợp gu nhất với ông vẫn là hoạt động phá hoại. Để bắt đầu tái lập tổ chức bí mật, Wollweber trước hết đã thiết lập sở chỉ huy ở Hamburg. Chẳng bao lâu sau, các điệp viên của ông đã được phái tới những hải cảng chính ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Và những địch thủ xưa cũ của ông - các cơ quan phản gián phương Tây cảm thấy đối thủ cũ của họ đã tái xuất giang hồ: Liên đoàn Wollweber đã hoạt động trở lại. Đến đầu năm 1950, các chuyên gia Pháp tin rằng có một chiến dịch phá hoại đang được chuẩn bị. Nhưng không ai ở phương Tây lại nghĩ đó là khúc nhạc dạo đầu cho cuộc tấn công của cộng sản mở màn sáu tháng sau đó ở Triều Tiên. Chính phủ Pháp lo lắng đến mức mặc dù có sự phản đối quyết liệt của những người cộng sản đã vội vã thông qua đạo luật chống phá hoại.

Hầu như ngay lập tức, một loạt sự kiện bí ẩn đã xảy ra ở Anh. Tháng tư, trong bể nhiên liệu của tàu sân bay Anh Illustrias đã phát hiện có nước. Gần một tuần sau, cũng con tàu này rời cảng Devonport đi Merci chở theo trên boong một số nhân vật cực kỳ quan trọng, trong đó có bộ trưởng hải quân và Tổng tư lệnh. Khi còn cách Plimouth không xa, dưới nồi hơi đã phát hiện ra ba đuốc magiê. Người ta đã xác định được chúng được đặt ở đó để khi nhiệt độ trong nồi hơi tăng lên, chúng sẽ bốc cháy và dứt khoát sẽ gây ra vụ cháy kinh hoàng.

Vào giữa tháng 6, mấy ngày trước cuộc tiến công của cộng sản ở Triều Tiên, đã phát hiện ra có cát trong động cơ một chiếc tàu ngầm đang được tu sửa ở Devonport.

Vào tháng 7, lúc này chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc, trong khi các con tàu chuẩn bị lên đường sang Viễn Đông, 9 chiếc sà lan đã nổ tung cùng đạn dược cách không xa đê chắn sóng Bendenham ở cảng Portsmouth. Nhà cửa khu vực gần cảng bị hư hỏng, một số người đã bị chết. May mắn là các kho đạn cách đó xa đã không bị nổ. Mười ngày sau, trên chiếc khu trục hạm Cavendis đã xảy ra sự cố ngay sau khi ra khơi. Trong khoang máy đã tìm thấy những vật lạ.

Không một hãng thông tấn Anh nào không coi chuỗi hành động phá hoại này là việc làm của Liên đoàn Wollweber. Nhưng các cơ quan phản gián phương Tây thì đã tin rằng, chuỗi sự kiện lạ lùng ở Vương quốc Liên hiệp Anh là một phần của một chiến dịch phá hoại lớn do Wollweber tiến hành nhằm cản trở các chiến dịch của các nước đồng minh phương Tây tại Triều Tiên.

Một trong những sự cố nghiêm trọng nhất diễn ra trên chiếc tàu khách của Pháp Oran khi cách không xa Marseile vào tháng 5 năm 1950. Khi đó, trong khoang máy một quả bom termit đã phát nổ. Chiếc tàu chuẩn bị lên đường sang Sài Gòn chở theo đạn dược và trang bị cho lực lượng Pháp đang đối địch với quân cộng sản ở Đông Dương. Cơ quan tình báo Pháp đã xác định được quả bom do một người chắc chắn là chiến binh của Wollweber đặt. Cuộc điều tra sau đó cho thấy quả bom được chế tạo ở các xưởng kỹ thuật của Wollweber ở Karlhorst, ở Đông Berlin và ở Wismar trên bờ biển Baltic. Quả bom trên tàu Oran giống như quả bom đã tìm thấy trước đó trong khoang máy của chiếc tàu chở dầu đang đóng tại Hamburg.

Tháng 9, các sĩ quan của cơ quan an ninh Pháp đã khám phá một tổ chức phá hoại gồm chủ yếu là những người cộng sản Đức và Tây Ban Nha lưu vong. Tổ chức này có liên hệ với Wollweber. Tổ chức này bị khám phá sau khi chiếc khu trục hạm Lapas của Pháp bị tiêu diệt khi bị nổ tung ở vị trí cách không xa San Malo. Vụ nổ làm cho 51 người trong thuỷ thủ đoàn thiệt mạng.

Sau khi các cuộc đàm phán hoà bình kéo dài kết thúc thì các hành động phá hoại nhằm vào các chiến hạm của các nước phương Tây dần chấm dứt. Tuy nhiên, đến giữa năm 1952, bắt đầu xuất hiện các bằng chứng cho thấy một chiến dịch tấn công nhằm vào tàu bè đang được chuẩn bị. Người ta biết được Wollweber đang ở Bogonze, Đông Đức. Các gián điệp Tây Âu xâm nhập sâu vào khu vực phía Đông đã dự doán các vụ phá hoại có thể sẽ khởi đầu ở các cảng của Anh.

Và thực vậy, ngày 25 tháng 1 năm 1953, chiếc tàu khách lớn Impress of Canada của Canada đã bị đám cháy thiêu huỷ hoàn toàn khi đang được sửa chữa tại Liverpool. Ba ngày sau, một đám cháy bùng lên trên boong tàu Queen Elizabeth cũng đang được sửa chữa tại Southamton. Đám cháy được dập tắt kịp thời. Tàu bị thiệt hại không lớn lắm. Tuy vậy, ngày hôm sau, trên chiếc tàu khổng lồ của Đại Tây Dương này đã xảy ra một đám cháy đáng ngờ khác. May mắn là cả đám cháy này cũng bị dập tắt nhanh chóng.

Có một sự giống nhau kỳ lạ giữa các đám cháy trên tàu Impress of Canada và Queen Elizabeth, những con tàu đang kiếm bộn tiền cho nền kinh tế Anh. Cuộc điều tra chính thức về thảm hoạ trên tàu Impress of Canada đã không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về khả năng phá hoại. Cuộc điều tra bối cảnh xảy ra đám cháy trên con tàu khổng lồ ở Southamton cũng chẳng đem lại kết quả rõ ràng nào. Nhưng dù chính quyền Anh đã rút ra kết luận gì thì các quốc gia phương Tây khác vẫn tin chắc là cả hai biến cố đều là do bàn tay của các điệp viên của Wollweber mà vài người trong số đó có lẽ là người Anh. Các chuyên viên phương Tây tin chắc rằng, từ văn phòng của mình ở Cục Vận tải hàng hải của Đông Berlin và từ các sở chỉ huy của mình ở Wustrou và Bogonze, Wollweber vẫn tiếp tục vạch ra những chiến dịch phá hoại ở khắp thế giới tư bản.

Ngày 17 tháng 6 năm 1953 do tình hình chính trị thay đổi bởi cái chết của Stalin, đã nổ ra các vụ bạo động sau đó đã bị xe tăng Liên Xô dẹp tan ở Đông Berlin và khu vực chiếm đóng của Liên Xô. Mười ngày sau, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia (MGB) Beria đã bị bắt và xử bắn ở Liên Xô. Vào cuối tháng 7, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Đông Đức Wilhelm Zaiser bị mất chức. Theo ý kiến của Moskva, nguyên thủ Đông Đức Walther Ulbricht đã cử Ernst Wollweber giữ chức vụ này. Nói chung thì Wollweber rất ghét việc bổ nhiệm này. Trong lần phát biểu công khai đầu tiên với tư cách bộ trưởng, ông ta trông cứ như một con chuột phải ra khỏi hang vì bị hun khói. Nhưng không có ai nghi ngờ về năng lực của ông.

Wollweber được giao những nhiệm vụ trước mắt là:

1. Xoá sổ những toán gián điệp của phương Tây đang bám rễ hoạt động ở Đông Đức;

2. Mở rộng các chiến dịch tình báo và phá hoại ở Tây Đức.

Nhưng phiên toà tiếp sau đó xử các gián điệp ở Tây cũng như Đông Đức đã cho thấy Wollweber đã đạt được những thành công đánh kể trong việc thực hiện cả hai nhiệm vụ ấy.

Mặc dù phải đảm nhiệm trọng trách của bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia, Wollweber vẫn không lãng quên những công việc trước đây của mình. Các chuyên viên cho rằng chính ông đã đứng sau vụ phá hoại dự định nhằm vào tuần dương hạm Chamberland, một phòng thí nghiệm nổi của Hạm đội Hoàng gia Anh chuyên nghiên cứu các biện pháp bảo vệ chống bom khinh khí.

Người ta còn cho rằng, Wollweber có quan hệ gắn bó với lưới tình báo của cảnh sát mật Ai Cập do Leopold Gliajam, một cựu sĩ quan của cơ quan an ninh của Heydrich, tội phạm chiến tranh đang bị truy nã, cầm đầu.

Mặc dù được Moskva ủng hộ mạnh mẽ, Wollweber đã lâm vào tình thế khó khăn. Ông chẳng phải là bạn cánh hẩu của Bí thư Đảng Cộng sản Đông Đức Walther Ulbricht. Họ biết nhau đã khá lâu và Wollweber biết không ít về Ulbricht. Tất nhiên là cuối cùng họ đã cãi cọ với nhau. Ulbricht gạt Wollweber khỏi chức vụ bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia. Tuy vậy, Moskva đã đòi để ông tiếp tục làm thủ lĩnh Liên đoàn Wollweber. Mối hận thù giữa Ulbricht và Wollweber dần dần trở nên quyết liệt hơn. Qua thông tin mật mà tác giả những dòng này tiếp cận được, được biết trong năm 1960 hoặc 1961, Ulbricht đã cố loại bỏ Wollweber và ra lệnh bắt ông. Nhưng Wollweber vẫn như mọi khi đã nắm rất rõ tình hình và kịp thời kiếm được nơi ẩn náu trong trụ sở cơ quan tình báo Liên Xô ở Karlhorst, tại Đông Berlin.

Ulbricht tức giận nhưng KGB vẫn cương quyết. Mười ngày sau, Ulbricht, như người ta nói, đã nhận được bức điện với nội dung: “Hãy để cho Wollweber được yên. Ông ấy là bạn tôi. Ký tên: Khrushchev”.

Wollweber khôi phục hoạt động của mình. Người ta nghe về ông lần cuối cùng khi ông còn ở Đông Berlin...


Chuyên gia phá hoại siêu đẳng

Sách báo của Liên Xô và Nga đã viết nhiều về những chiến công của các tình báo viên Xôviết như Richard Sorge, Leopold Trepper, Schandor Rado, Rudolf Abel, Konon Molody (Richard Sorge (1895-1944), tình báo viên người Đức của Liên Xô, Anh hùng Liên Xô, bị quân phiệt Nhật bắt và xử tử hình năm 1944. Leopold Trepper (1904-1983), biệt hiệu "Xếp lớn", chỉ huy của lưới điệp báo "Dàn hợp xướng đỏ". Rudolf Abel (1903-1971), chỉ huy Tổ điệp báo Abel chuyên săn tìm bí mật nguyên tử của Mỹ, bị FBI bắt và năm 1961, được đánh đổi lấy phi công lái máy bay do thám U-2 Francis Gary Powers. Konon Molody (1924-1970) - tình báo viên bất hợp pháp Xôviết, sinh ở Canada, lớn lên ở Mỹ, hoạt động ở Anh dưới tên Gordon Lonsdale, bị phản gián Anh bắt năm 1961 và được thả trong một vụ trao đổi điệp viên năm 1964 - ND) và nhiều người khác. Nhưng trong các cơ quan tình báo Xôviết còn có các chuyên gia bậc thầy khác mà KGB lừng danh muốn giữ im lặng về họ bởi vì những chiến công của họ chính là những vụ phá hoại.

Đặc biệt nổi bật trong số đó là Ernst Wollweber.

Ông sinh năm 1898 trong gia đình thợ mỏ ở Đức và sau này đã làm thuỷ thủ. Là một thợ đốt lò trên thiết giáp hạm Helgoland, là một trong những nhà tổ chức cuộc nổi dậy của thuỷ thủ ở Kiel ngày 28 tháng 10 năm 1918, đánh dấu sự bắt đầu của cuộc cách mạng Đức và sự sụp đổ của đế chế của Hoàng đế Wilhelm. Với tư cách một uỷ viên hội đồng công nhân-binh sĩ, ông đã lãnh đạo nhóm nổi dậy tấn công đánh chiếm toà thị chính Bremen và cắm lá cờ đỏ lên trên đó.

Ernst Wollweber và Đảng Cộng sản Đức mới đã lớn lên cùng nhau. Nguyện vọng lớn nhất của ông là được đến Moskva và học tập nghệ thuật của một nhà tổ chức chính trị. Cùng với một nhóm đồng chí trong đảng, ông đã được tuyển làm thuỷ thủ trên một tàu đánh cá lưới vét ở Bremenhafen. Khi tàu đã ra khơi, những người âm mưu đã trói thuyền trưởng và lệnh cho thuỷ thủ đoàn đưa tàu đến Murmansk. Từ đó, Wollweber đi về Moskva nơi ông được tiếp đón như một vị anh hùng của cách mạng Đức: ông đã được Lenin và Chủ tịch Uỷ ban chấp hành Quốc tế Cộng sản Zinoviev tiếp. Ernst trở thành một học viên chăm chỉ của các khoá đào tạo điệp viên của Quốc tế Cộng sản và không lâu sau hoàn thành tốt các khoá học ấy.

Vào đầu những năm 20, Moskva thực hiện chính sách “cách mạng vô sản thế giới” và hoạt động tình báo-lật đổ của Liên Xô ở các nước tư bản cũng nhằm phục vụ mục tiêu này. Cụ thể, hoạt động đó được tiến hành theo ba hướng: Phòng đối ngoại của OGPU (gọi tắt là INO), Cục Tình báo tức cơ quan tình báo quân sự (nay là GRU) và Phòng liên lạc quốc tế Quốc tế Cộng sản (viết tắt là OMS). Wollweber hoạt động như một nhân viên của OMS. Sự chú ý đặc biệt được tập trung vào nước Đức, nước mà theo ban lãnh đạo Liên Xô có tình hình “đã chín muồi cho cuộc cách mạng vô sản”. Thực ra, nước Đức đang nằm trong tình trạng phá sản kinh tế và chấn động chính trị. Vào tháng 9 năm 1923, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Nga (Bolshevik) RKP(b) đã ra nghị quyết bắt đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đức. Hàng trăm điệp viên Xôviết đã tích cực tham gia huấn luyện đã được tung vào nước Đức. Wollweber là một trong những nhà tổ chức tích cực nhất. Ông hoạt động chủ yếu trong giới thuỷ thủ, phu bến tàu và công nhân ở các xưởng đóng tàu ở các cảng miền Bắc. Cuộc khởi nghĩa ở Hamburg nổ ra vào tháng 10 nhưng không thành công: người Đức đã quá mệt mỏi vì chiến tranh và cách mạng. Tuy nhiên, Wollweber không nản chí, vẫn tiếp tục tích cực hoạt động cách mạng và nhanh chóng lên cao trong bộ máy Đảng Cộng sản Đức.

Thỉnh thoảng, ông có đến Moskva. Trong một chuyến đi như vậy, ông đã được Stalin tiếp vì Stalin rất mến con người của hành động này và trong gần như 13 năm sau đó, khi đa số các lãnh tụ Đảng Cộng sản Đức đã bị thủ tiêu thì Wollweber đã được chủ nhân điện Kremlin che chở.

Vào năm 1928, Wollweber đã thành công trong nhiệm vụ quan trọng mới: ông đã thành lập được Liên hiệp thuỷ thủ quốc tế. Bề ngoài, đó là một tổ chức có uy tín, quan tâm đến điều kiện lao động và cuộc sống của thuỷ thủ. Tổ chức này đã thành lập các câu lạc bộ thuỷ thủ ở những thành phố lớn, có chi nhánh ở 22 nước và 15 thuộc địa của Anh và Pháp. Hội phí đối với các thành viên và chi phí ăn ở của các thuỷ thủ là rất thấp bởi vậy hoạt động của Liên hiệp các thuỷ thủ quốc tế đã được sự hỗ trợ hào phóng của Quốc tế Cộng sản mà đúng hơn là của những người đóng thuế Liên Xô.

Nguyên nhân của sự hào phóng đó là ở chỗ Liên hiệp thuỷ thủ quốc tế làm những nhiệm vụ đặc biệt. Nó có khả năng cản trở việc chuyên chở bằng đường hàng hải binh lính và vũ khí có thể được dùng để chống Liên Xô, cài điệp viên và giao thông viên vào khắp các cảng lớn và hăm doạ các chính phủ bằng cách doạ tổ chức cho thuỷ thủ và công nhân cảng bãi công. Nhưng trước hết, các thành viên được đào tạo đặc biệt của nó có thể được sử dụng cho những nhiệm vụ nguy hiểm hơn đó là tổ chức các vụ phá hoại trên tàu và ở các hải cảng.

Ernst Wollweber là bậc thầy vô song trong lĩnh vực này. Chàng trai khoẻ mạnh với gương mặt thô rám sau này có biệt hiệu “Bánh tráng biết đi” có một nguồn năng lượng và tài năng sáng tạo vô tận những mưu mẹo khôn khéo nhất. Để có vị thế, ông tìm cách để được bầu vào nghị viện Phổ vào năm 1928 và trở thành nghị sĩ Quốc hội Đức Reichstag vào năm 1932.

Ngay từ năm 1928, Wollwber đã tiến hành thành công một số vụ phá hoại trên nhiều tàu biển của phương Tây. Con tàu chở hàng Paul Legas vừa đóng xong đã bốc cháy tại Marseile, con tàu khách Paris sang trọng bị cháy tại Havre, con tàu mới Europe của Đức, tàu Asia của Pháp , tàu City of Honolulu của của Mỹ.

Đến đầu những năm 30, Wollweber đã bắt đầu chiến dịch phá hoại trên biển quy mô nhất mà thế giới từng biết đến. Trong vòng ba năm, Công ty bảo hiểm LLoyd đã phải trả một khoản tiền khổng lồ vào thời đó là 7 triệu bảng Anh dưới dạng tiền trả bảo hiểm cho những con tàu bị hư hỏng hoặc huỷ diệt chủ yếu do cháy. Các tàu chủ yếu bị đốt hoặc bị nổ là các tàu của Anh và Pháp chở binh lính và quân cụ sang các nước thuộc địa, nơi đang diễn ra các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vào năm 1931, đến lượt các tàu Nhật đi Mãn Châu Lý sau khi vùng này bị Nhật đánh chiếm.

Danh sách các tàu bị người của Wolweber tiêu diệt trong những năm 1930-1933 thật đáng kinh ngạc, lên tới hàng trăm tàu. Trong số các tàu này có tàu khách sang trọng Atlantic của Pháp có lượng giãn nước 42.000 tấn. Chiếc tàu Bermuda của Anh bị đốt cháy ở Hamilton (quần đảo Bermuda). Sau khi được sửa chữa tại Belfast, trên tàu này đã xảy ra một vụ nổ thiêu huỷ toàn toàn con tàu này. Một trong những tàu vận tải lớn nhất Nhật Bản có tên Biao chở vũ khí cho quân Nhật ở Mãn Châu Lý đã bị nổ không lâu sau khi rời một cảng của châu Âu. Tàu Tasimamaru với nhiệm vụ tương tự cũng gặp số phận như thế sau khi rời khỏi cảng Rotterdam. Các đội thương thuyền Đức, Hà lan và Mỹ đã bị những tổn thất khá lớn.

Trong tất cả các trường hợp này, nguyên nhân được xác định là do phá hoại và đều tìm thấy những mảnh mìn có cơ cấu đồng hồ. Nhưng bất chấp mọi nỗ lực của các cơ quan đặc vụ phương Tây, người ta vẫn không tìm được những thủ phạm trực tiếp mặc dù các dấu vết thường dẫn tới Wollweber và Liên hiệp thuỷ thủ quốc tế của ông.

Sau khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, Wollweber lui vào hoạt động bí mật và cuối cùng phải chạy ra nước ngoài. Sau một thời gian ngắn ở Moskva, vào năm 1935, ông đã đến Copenhagen và thành lập ở đây công ty hàng hải Adolf Zeelo. Dưới vỏ bọc này, Wollweber đã đẩy mạnh các hoạt động phá hoại nhằm vào các con tàu Đức. Không lâu sau đã không còn một cảng ở Scandinavia nào là an toàn cho các tàu Đức và Italia. Trong giai đoạn 1937-1939, 900 tàu Đức đã bị tiêu diệt hoặc hư hỏng tại các cảng của Đức và nước ngoài, cũng như trên biển bất chấp những biện pháp an ninh nghiêm ngặt và bảo vệ đặc biệt của Gestapo và SS.

Vào năm 1939, Wollweber tổ chức các biệt đội phá hoại ở Stockholm và 3 biệt đội nữa ở các cảng khác của Thuỵ Điển. Các cảng này trở nên đặc biệt nguy hiểm đối với người Đức bởi vì quặng sắt để luyện thép chế tạo xe tăng/thiết giáp được chở đi từ chính các cảng này. Tại tất cả các cảng này thường xảy ra các vụ nổ bí ẩn, thường xuyên hơn là từ khi Thế chiến II nổ ra. Đã có những thời kỳ việc cung cấp quặng sắt sang Đức bị ngừng trệ mấy tuần liền vì những vụ phá hoại ở các cảng Thuỵ Điển.

Ngày 8 tháng 5 năm 1940, điệp viên Reinhard Krebs đã cài mấy quả mìn hẹn giờ lên bông chiếc tàu vận tải quân sự ở Bremenhafen. Tàu này phải chở 4.000 lính Đức sang Nauy nơi mà sau khi quân Đức xâm lăng từ tháng 4 nhưng quân Anh vẫn giữ được Narwick. Trên đường tiến gần cảng này, con tàu Marion này nổ tung lên không trung, tất cả binh lính trên tàu đều thiệt mạng.

Quá tức giận, người Đức đe doạ xâm lược Thuỵ Điển nếu chính phủ Thuỵ Điển không lập được trật tự ở các hải cảng của mình. Người Thuỵ Điển buộc phải nhượng bộ và đã bắt giữ Wollweber cũng một số điệp viên của ông. Nhưng các vụ phá hoại vẫn tiếp tục xảy ra. Chính phủ Đức đòi giao cho họ Wollweber. Nhưng ông này đã chứng minh được với người Thuỵ Điển rằng, ông đã bị tước quốc tịch Đức năm 1933 và bởi vậy, không thể giao một người không có quốc tịch cho người Đức. Theo yêu cầu của ông, ông đã bị trục xuất sang Liên Xô và đã tới Liên Xô không lâu sau khi Đức tấn công Liên Xô. Ông được chào đón như một người anh hùng.

Thành tích của ông thật đáng khen ngợi: sau khi Thế chiến II bắt đầu, người của ông đã đánh đắm ít nhất 70 tàu Đức, Italia, Nhật trong các cảng của Đức, của các nước châu Âu bị phát xít chiếm đóng, ở các nước trung lập và trên biển. Ngoài ra, họ cũng đã tiêu diệt nhiều tàu của các nước trung lập đang chở hàng đến Đức. Còn có hơn 100 tàu bị hư hỏng nặng, nhiều công trình cảng, bến tàu, xưởng đóng tàu, đường sắt bị phá huỷ.

Wollweber trở về Đông Đức vào năm 1945 và được chính quyền chiếm đóng Liên Xô cử làm “thanh tra giao thông và hàng hải” (khi nước Cộng hoà Dân chủ Đức được thành lập thì chức vụ này được chuyển thành bộ trưởng).

Nhưng Wollweber đã chẳng phải là Wollweber nữa nếu như ông chỉ bó hẹp trong công việc giao thông và hàng hải. Tại thị trấn Wustrou trên biển Baltic, ông đã mở một trường đào tạo chuyên viên phá hoại. Và không lâu sau đã có những kết quả đầu tiên: tại các cảng Đức thuộc các khu vực chiếm đóng của Anh, Mỹ đột nhiên gia tăng các vụ phá hoại nhằm vào các tàu chở hàng hoá theo “kế hoạch Marshall” (Marshall Plan - tên thường gọi của Chương trình Tái thiết châu Âu (European Recovery Program - ERP) của Mỹ nhằm giúp phục hồi kinh tế các nước châu Âu sau Thế chiến III (1939-1945) theo tên của Ngoại trưởng Mỹ George Catlett Marshall - ND). Cũng đã xảy ra những vụ nổ ở các cảng Le Havre và Brest của Pháp. Trong những năm 1947-1948, đã có 30 tàu bị hư hỏng do đốt và nổ và các vụ phá hoại vẫn tiếp diễn. Chiếc tàu Indian Express chở vũ khí cho quân Anh ở Cận Đông đã bị nổ tung; tàu Badenham chở quân cụ bị nổ tan tành ở Gibraltar, khoang máy của một tàu khu trục Anh bị phá huỷ, các dây dẫn trên một chiếc tàu ngầm đậu ở Malta bị cắt đứt. Những nỗ lực của các cơ quan đặc vụ phương Tây đối phó với hoạt động phá hoại đã không đem lại kết quả.

Các vụ phá hoại gia tăng khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào năm 1950, nhất là đối với những tàu chở binh lính và vũ khí sang nước này. Ba tàu tân bay Anh sang Triều Tiên đã bị hư hỏng nặng, tàu Impress of Canada bị cháy ở Liverpool, tàu khách Queen Elizabeth bị hỏng nặng do cháy khi đậu ở Southampton. Trở thành nạn nhân của những vụ cháy, nổ bí ẩn còn có không ít binh lính của Mỹ, Anh, Italia, Nauy, Đan Mạch và Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đường sang Triều Tiên. Bốn tàu sân bay Anh, tàu sân bay Bennington của Mỹ và nhiều tàu chiến và tàu buôn khác của các nước NATO đã bị hỏng nặng - tất cả những tàu này đã bị loại khỏi vòng chiến trong nhiều tháng.

Sau khi dập tắt cuộc bạo loạn tháng 6 năm 1953, Wollweber được nhận chức vụ mới: ông trở thành Bộ trưởng An ninh Quốc gia Cộng hoà Dân chủ Đức. Người tiền nhiệm của ông, Wilhelm Zaiser đã bị thải hồi vì không ngăn chặn trước được cuộc bạo loạn. Với nhiệt tình vốn có, Wollweber đã đẩy mạnh được hoạt động của bộ mình, nhất là hoạt động tình báo đối ngoại và phản gián. Người được đưa lên cương vị chỉ huy cơ quan phản gián là học trò đầy tài năng của Wollweber - Markus Wolf (Các bạn đồng nghiệp trong KGB thường gọi ông ấy là “Misha Wolf”). Chính Wollweber đã cài được vào “trung ương thần kinh” của tình báo Tây Đức điệp viên cũ của mình là cựu sĩ quan SS Felfe (Heinz Felfe (sinh năm 1918), nhân viên Cục An ninh Đức phát xít SD. Năm 1950, được tuyển làm điệp viên Liên Xô và hoạt động trong Cơ quan tình báo BND của CHLB Đức trong suốt 11 năm. - ND), người đã chút nữa đã trở thành cánh tay phải của xếp ông ta là Gehlen (Rheinhard Gehllen (1902-1979), trung tá tình báo quân sự Đức phát xít, chỉ huy bộ phận FHO (Fremde Heere Ost, chịu trách nhiệm thu thập tin tình báo về Quân đội Xôviết, thuộc Cục tình báo quân sự Abwehr) từ năm 1942, sau Thế chiến II đã hợp tác với tình báo Mỹ tái lập FHO với tên gọi Tổ chức Gehllen (Org) vào năm 1946. Năm 1956, Org trở thành Cơ quan tình báo CHLB Đức BND (Bundesnachrichtendienst) - ND).

Nhưng Wollweber tồn tại trên cương vị Bộ trưởng An ninh Quốc gia Cộng hoà Dân chủ Đức không lâu, chỉ có ba năm. Vào năm 1956, ông về hưu vì tình trạng sức khoẻ và mất sau đó không lâu. Có thể nói rằng, CIA, BND và các cơ quan tình báo phương Tây đã thở phào nhẹ nhõm, còn KGB thì đau buồn thật sự.

Đây quả là một nhân cách lỗi lạc. Chỉ tiếc là tài năng xuất chúng của ông đã được sử dụng không phải để xây dựng mà là để phá hoại.

Gửi Bình Luận Blogger

 
Top